>> Cổ phiếu bất động sản chờ cú hích sửa Nghị định 65
Cổ phiếu BĐS tiếp tục giảm sàn vì chính sách giải cứu chưa rõ ràng

Thị trường bất động sản đóng băng nhiều phân khúc, còn cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm sàn sau thời gian chờ đợi chính sách giải cứu. Ảnh minh họa

Cổ phiếu bất động sản “níu chân” thị trường

Thời gian qua, hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như: Khối lượng phát hành mới sụt giảm; khối lượng mua lại trước hạn tăng; có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu, khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian ngắn và dự báo dẫn tới áp lực bán lại tới đây rất lớn. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn, cũng như khó huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh… áp lực đang đè nặng lên bài toán nguồn vốn và thanh khoản của các doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn gắn với thị trường nợ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp địa ốc (BĐS).

Điều này đã dẫn tới trong diễn biến “hình cung” của chỉ số VN-Index và VN30 giai đoạn qua, đến hiện nay, khi chỉ số chính đang lùi về đường cong trượt từ đỉnh hơn 1.100, các cổ phiếu BĐS luôn giữ vị trí nhóm giảm giá mạnh nhất. NVL, PDR, VHM đều giảm mạnh nhất trong rổ VN30 của phiên mở đầu tuần này, sau hai cuộc họp và hội nghị về tín dụng đối với bất động sản cùng NHNN diễn ra vào tuần trước. Cùng nhóm là cổ phiếu BĐS khác như DIG, CEO, DXG… cũng bị bán về sát giá sàn. 

Cổ phiếu 2 ông lớn BĐS như NVL thậm chí giảm sàn còn 12.800 đồng/cp, PDR còn 11.250 đồng/cp. Đây là mức giá thấp nhất của 2 ông lớn cổ phiếu trong rổ VN30 trong vòng một năm qua…

Nhận định về nhóm cổ phiếu BĐS, các chuyên gia cho rằng đã có nhiều thông tin giải cứu từ cuộc họp của NHNN với các doanh nghiệp, dẫn đến những kỳ vọng nhất định. Song cho đến thời điểm này, thực tế, các doanh nghiệp vẫn chỉ biết  chờ đợi quyết sách chính sách tín dụng từ NHNN trong tương lai, và chờ đợi Dự thảo sửa Nghị định 65 từ Bộ Tài chính. Theo đó, việc chờ đợi tiếp tục khiến nhóm cổ phiếu BĐS vẫn phải chịu quá nhiều áp lực. Hễ có bất cứ biến động gì, nhóm này lại sàn và gây tác động mạnh tới nhóm các cổ phiếu ngành khác… 

>> Trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro của các ngân hàng

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp “dễ thở”?

Mới đây, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 với nhiều quy định mới đã được Bộ Tài chính chia sẻ thông tin, mang đến kỳ vọng cụ thể hơn về việc sẽ hỗ trợ thị trường TPDN.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất một số điểm mới trong dự thảo như: Giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỉ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay, sẽ chỉ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65. Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.

Một nội dung đề xuất sửa đổi đáng chú ý khác là lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Theo Nghị định 65, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, trong khi dự thảo đề xuất lùi tới đầu năm 2024. Điều này giúp doanh nghiệp giảm được chi phí dịch vụ và chi phí thời gian, cơ hội trong bối cảnh cần được thuận lợi phát hành tạo thanh khoản.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm. Với đề xuất này, doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trước đây còn dư nợ sẽ được gia hạn thời hạn trả nợ sang 2025 – 2026, cũng như có khả năng huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại nợ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, nội dung của dự thảo sửa đổi Nghị định số 65 trước mắt sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp áp lực trái phiếu đến hạn trả nợ, đặc biệt là nhóm bất động sản. Đây là lối mở cho các doanh nghiệp nhóm này khi có thể ưu tiên xử lý các nghĩa vụ trả nợ đáo hạn hoặc gia hạn nợ.

Có thể nói, áp lực nợ đáo hạn được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi hiệu ứng đổ vỡ “domino”. Thậm chí, theo dự thảo, các khoản nợ có thể xử lý thông qua dàn xếp bổ sung tài sản thế chấp, hoán đổi các tài sản có giá trị hơn… Với độ mở của dự thảo, các chuyên gia kỳ vọng sẽ mở đường cho các tổ chức phát hành có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho các tổ chức khác. 

Để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, trong hôm nay 14/2, sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Cùng dự Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ, có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà. 

Về phía các cơ quan Bộ ngành TW, địa phương, thành phần tham dự có Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các Tập đoàn có tên tham dự Hội nghị là Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NOVA (Novaland), Công ty CP Hưng Thịnh Land, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Công ty CP Đầu tư IMG, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương).

Trước đó, trong 4 ngày liên tiếp từ ngày 12-15/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký 4 công điện: Công điện thúc đẩy giải quyết vấn đề tín dụng; công điện giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; công điện tháo gỡ vướng mắc khó khăn của thị trường BĐS, và công điện chỉ đạo giải quyết vấn đề lao động. Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành.

[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]

Đánh giá của bạn:

[wpcc-script]