Đại diện các đơn vị lữ hành như Vietravel, Viettourist… đều thừa nhận, khách Trung Quốc là nguồn quan trọng để ngành du lịch đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt.
>> Trung Quốc chưa mở tour, hàng không và du lịch “hụt hẫng”
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh này, đại diện các đơn vị lữ hành như Vietravel, Viettourist… đều thừa nhận, khách Trung Quốc là nguồn quan trọng để ngành du lịch đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt, khi các thị trường khách châu Âu và Nga chưa có tín hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, thông tin Trung Quốc mở lại tour nước ngoài tới 20 quốc gia nhưng không có Việt Nam khiến du lịch Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Thách thức không nhỏ
Tổng cục Du lịch cho rằng, việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023. Bởi, Trung Quốc vốn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt, đứng đầu danh sách khách đi du lịch nước ngoài của Việt Nam.
Chia sẻ với báo giới, bà Ngô Thị Lan Phương – Giám đốc CTCP Lữ hành quốc tế Kim Liên, đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc cho biết, “Chúng tôi cũng bất ngờ khi Trung Quốc thí điểm cho phép tổ chức tour đoàn ở 20 quốc gia từ ngày 6/2 nhưng không có Việt Nam. Đó là thiệt thòi lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì chúng ta có ba cửa khẩu lớn với Trung Quốc, giao thông thuận lợi”.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang – doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc cho biết: “So với các nước trong danh sách mà Trung Quốc vừa công bố, Việt Nam chiếm hoàn toàn ưu thế về du lịch. Chúng ta nằm “sát vách”, là điểm đến giá rẻ đối với khách Trung, có tài nguyên đẹp, ẩm thực ngon và luôn là thị trường hấp dẫn của khách Trung Quốc giai đoạn trước dịch Covid-19. Vì thế, các doanh nghiệp kỳ vọng nhà chức trách, cấp Chính phủ cần nhanh chóng đàm phán, thỏa thuận để mở lại du lịch giữa 2 nước, muộn nhất là trong tháng 3 này để kịp đón đầu cao điểm du lịch hè.
“Nếu chậm hơn nữa, các thị trường cạnh tranh sẽ chiếm hết ưu thế, hớt hết những miếng bánh ngon nhất từ thị trường khách lớn nhất của Việt Nam. Như thế, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay sẽ tiếp tục ‘căng’, trong khi các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường này tiếp tục ‘đói’ đến kiệt quệ” – vị này lo ngại.
>> Dự báo du khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2023 sẽ đạt khoảng 4,5 triệu lượt
Không nên quá lo lắng
Mặc dù Việt Nam không nằm trong danh sách cho phép mở cửa tour của Trung Quốc nhưng một số ý kiến cho rằng đây là cơ hội để cải thiện. Trên thực tế, doanh nghiệp du lịch đang tập trung vào hai mũi nhọn trọng tâm. Một là thúc đẩy du lịch trong nước, phát huy hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành. Hai là phát triển tour du lịch nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ phục hồi bằng với trước dịch. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường khách quốc tế cũng được chú trọng.
Đối với thị trường Trung Quốc, dây là thời gian phù hợp để nhìn nhận lại cách đón tiếp du khách Trung Quốc và quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam phải nỗ lực mở rộng các cơ sở lưu trú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy dòng khách du lịch. Các chuyên gia du lịch cho rằng tháng 3/2023 sẽ là thời điểm thích hợp để Trung Quốc và Việt Nam nối lại du lịch.
Hành khách ở sân bay quốc tế Bắc Kinh vào dịp cuối năm. Ảnh: Kydpl Kyodo/AP.
Hiện Vietnam Airlines đang khai thác thường lệ các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải; tháng 3 tới sẽ khôi phục thêm đường bay Hà Nội và Bắc Kinh; từ tháng 4 sẽ khôi phục đường bay Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô, giữa Hà Nội và Thành Đô.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, cho rằng trong mùa thấp điểm của ngành du lịch Việt Nam hiện nay, đón khách Trung Quốc có thể là cơ hội giúp ngành và các doanh nghiệp phục hồi nhanh. Dù vậy, đối với thị trường khách Trung Quốc, cần sự định hướng rõ ràng và “nắn dòng” để hướng tới những đối tượng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Đặc biệt, cùng với việc đón khách Trung Quốc, ngành du lịch cần có giải pháp cụ thể để cân bằng các thị trường khách trọng điểm, truyền thống như khách châu Âu, châu Mỹ. Đa dạng thị trường khách quốc tế đến sẽ góp phần giúp ngành du lịch phát triển bền vững.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]