Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục có những tín hiệu không lạc quan khi phát hành mới đóng băng và số lượng các doanh nghiệp chậm thanh toán lãi hay mua lại tăng dần.
>> Điều tiết thị trường trái phiếu
Tắc phát hành mới, chậm thanh toán cũ
Trạng thái đông cứng của thị trường TPDN thể hiện rất rõ trong tháng 1/2023.
Cụ thể, theo Báo cáo tháng 1/2023 của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/01/2023, hiện chưa có đợt phát hành nào trong năm 2023.
Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022. Trong các đợt phát hành này, nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỷ phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỷ đồng phát hành ra công chúng. 3 đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty Chứng khoán và Bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.
Báo cáo của VBMA cũng ghi nhận trong tháng 1, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, theo VBMA, trong năm 2023, sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Trước đó, dữ liệu của nhiều định chế tài chính ghi nhận trong tháng 1/2023, các doanh nghiệp có khoảng hơn 17.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn đáo hạn.
Tuy nhiên, bước sang tháng 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần, dữ liệu công bố từ HNX cho thấy, đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp chưa mua lại trước hạn trái phiếu như kế hoạch.
Điển hình là công bố thông tin ngày 1/2 của CTCP Lâu Đài Trắng, công ty chưa đại chúng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, xây dựng và phát triển dự án bất động sản, thông báo kế hoạch thanh toán mua lại trái phiếu trước hạn nhưng chưa thực hiện. Cụ thể, với mã trái phiếu LDTCH2123001, đã phát hành 22/11/2022, ngày đáo hạn 22/5/2023, khối lượng phát hành 240 tỷ đồng và đang lưu hành khối lượng tương đương, công ty có kế hoạch thanh toán mua lại trước hạn ngày 5/1/2023 nhưng theo văn bản gia hạn đợt thanh toán mua lại trái phiếu trước hạn, công ty chậm thanh toán. Lý do được nêu là: Chịu nhiều tác động không tích cực từ thị trường, chưa thu xếp được nguồn vốn để thanh toán theo kế hoạch.
CTCP Lâu Đài Trắng cũng dự kiến thời gian thanh toán tiếp theo chậm nhất là 28/2/2023.
Tương tự, ngày 8/2023, CTCP Lavida Invest có địa chỉ trụ sở tại tầng 18 tòa nhà Vincom Đồng Khởi, TP HCM cũng có công bố thông tin bất thường về chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu.
>> Trình Chính phủ sửa NĐ 65 để “cứu” thị trường trái phiếu
Theo văn bản, lô trái phiếu mã LVDCH2123001 công ty phát hành ngày 8/2/2021 và có thời gian đáo hạn là 8/2/2023, khối lượng phát hành theo mệnh giá 70 tỷ đồng, khối lượng đang lưu hành là 62 tỷ đồng, số tiền phải thanh toán là hơn 1,7 tỷ đồng vào ngày thanh toán lãi 8/2/2023 nhưng do chưa thu xếp được nguồn vốn nên chậm thanh toán.
Theo kế hoạch dự kiến, từ 15/3-30/5, Lavida Invest sẽ có 3 đợt thanh toán theo giá trị trái phiếu lưu hành là 10 tỷ, 30 tỷ và 22 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực liên quan bất động sản chậm thanh toán lãi hay mua lại trái phiếu trước hạn kể trên, cái tên quen thuộc AGM – CTCP Xuất nhập khẩu An Giang cũng công bố về việc chậm thanh toán lãi kỳ 5 của gói trái phiếu mã AGMH2123003, kèm theo biên bản hội nghị chủ sở hữu trái phiếu thông qua việc phát mại tài sản đảm bảo của gói trái phiếu này để trả hết nợ gốc cộng lãi trái phiếu chậm nhất đến ngày 31/3/2023.
Trước đó, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 cũng công bố thông tin, đính kèm văn bản của Hội nghị người sở hữu trái phiếu về việc đồng ý thời gian dự kiến thanh toán 118,7 tỷ đồng trái phiếu theo mệnh giá vào 27/10/2023 cộng toàn bộ lãi phát sinh cho các trái chủ. Hay trong tháng 1/2023, Seaside Homes cũng công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu; Ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/1/2023; Số tiền phải thanh toán hơn 51 tỷ đồng; Nguyên do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán…
Khó khăn của các doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu như cảnh báo của chuyên gia đã thực sự lan ra khi khả năng thu xếp nguồn vốn thanh toán trong bối cảnh không phát hành mới được, không được ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ như trước đây, không có nguồn tiền mới do dự án cũng tắc nghẽn, khách hàng không đóng tiền thanh toán… Nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng mới chỉ là sự xuất hiện “lẻ tẻ” về chậm thanh toán và chưa hoàn toàn phản ánh hết áp lực đáo hạn trái phiếu mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong 2023, nếu không có phương án nào để khơi thông nguồn vốn.
“Trông chờ cả” vào sửa Nghị định 65?
Theo đó, các chủ phát hành lẫn nhà đầu tư đang rất chờ đợi hiệu lực từ Nghị định sửa Nghị định 65/2022 vừa được trình Chính phủ. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với báo chí mới đây, trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, tinh thần sửa đổi của Nghị định mới là giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Dài hơi hơn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng rà soát các quy định liên quan và trao đổi với các bộ, ngành chức năng khác để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về doanh nghiệp và tiền tệ ngân hàng… Đồng thời, các đơn vị chức năng tham mưu giải pháp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với thực tại thị trường.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán… liên quan tới thị trường này.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thống nhất về giải pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển đồng bộ, lành mạnh, đúng định hướng.
Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phát hành chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trái phiếu, công bố thông tin minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Có thể nói, sau 2 cuộc họp khẩn và hội nghị nóng của NHNN với Bộ Xây dựng, 20 doanh nghiệp tập đoàn bất động sản, Hiệp hội và các TCTD để bàn về tín dụng đối với bất động sản, hiện tâm điểm chú ý vẫn đang dồn về các quy định cụ thể trong dự thảo Nghị định sửa Nghị định 65 nêu trên, liệu có khác với các quy định ở các phiên bản và theo các góp ý của các thành viên, các bên liên quan trên thị trường; đặc biệt, liệu có đáp ứng là kỳ vọng cú hích kích hoạt niềm tin trở lại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Một chuyên gia cho rằng với loạt giải pháp được đưa ra như nới điều kiện phát hành trái phiếu lùi thời điểm áp dụng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu, điểm có thể mong đợi tháo nút thắt thanh khoản cho thị trường nhất trọng tâm có thể là việc lùi thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tới 2024. Việc giãn thời gian thực hiện quy định trên sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều quan trọng là các doanh nghiệp “thể hiện” mình như thế nào để có thể duy trì được cầu với các nhà đầu tư không chuyên, trong điều kiện mà trước đó, Bộ Tài chính cũng đã phải yêu cầu kiểm soát chặt các hoạt động môi giới trái phiếu.
“Nếu NHNN thực hiện cương quyết đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính là: “Đối với các tổ chức tín dụng thời gian qua có hoạt động mối giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp cần có biện pháp cương quyết chấn chỉnh và có trách nhiệm với nhà đầu tư, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; cũng như UBCKNN tiếp tục tổ chức làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn cũng như doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu sắp đáp hạn lớn, cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động thanh toán cho nhà đầu tư” – Cơ bản là các bên đảm bảo trách nhiệm của mình, không chây ì hay từ chối trách nhiệm…, nhà đầu tư nhìn thấy được sự đảm bảo, thì niềm tin sẽ trở lại”.
Vị chuyên gia cho rằng dẫu vậy, đây vẫn là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, để thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, bền vững hơn thì cần phải sửa đổi tận gốc các quy định về phát triển thị trường nói chung trong đó có cả vấn đề vận hành, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]