Thông điệp Liên bang đã mang lại cho Tổng thống Mỹ Joe Biden cơ hội điểm lại các thành tựu trong hai năm qua và đưa ra chương trình nghị sự cho năm tiếp theo.
>> Tổng thống Mỹ gợi mở điều gì trong Thông điệp liên bang?
Trong Thông điệp Liên bang lần hai, Tổng thống Biden đã ca ngợi thành công của chính quyền ông trong một loạt thách thức, từ việc tập hợp các đồng minh toàn cầu trong bối cảnh chiến sự Nga- Ukraine khốc liệt đến mang lại chiến thắng cho cả hai đảng trong nước nhằm củng cố nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ.
Theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một luận điểm mạnh mẽ về tầm nhìn chính sách của mình trong bài phát biểu lần này, và vạch ra một lộ trình rõ ràng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong hai năm tới.
Những thành tựu được ông Biden nhắc tới bao gồm giảm lạm phát, tạo ra hàng triệu việc làm, cắt giảm giá thuốc kê đơn và giá năng lượng, tăng cường sản xuất chip, giảm thâm hụt ngân sách, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước.
Tuy nhiên, ông Biden cũng nhấn mạnh rằng công việc vẫn còn dở dang, đồng thời đưa ra các ưu tiên trong một số lĩnh vực mà theo ông, sẽ là những điều cần thiết để giữ cho Mỹ đi đúng hướng, bao gồm tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và giới siêu giàu, giảm bạo lực súng đạn, cấm vũ khí tấn công, cải cách lực lượng cảnh sát, giải quyết tình trạng người di cư ở khu vực biên giới…
Ông David Gergen, nhà phân tích chính trị cấp cao của CNN nhận định, sau nửa nhiệm kỳ đầy sóng gió, giờ đây Tổng thống Biden đang phải đối mặt với một bài kiểm tra thậm chí còn nghiêm khắc hơn. Bất chấp một chuỗi thành công trong những tháng gần đây, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden vẫn bị mắc kẹt ở mức thấp.
“Để có thể tìm kiếm thêm sự ủng hộ của cử tri, chính quyền Tổng thống Biden sẽ cần có những chính sách hiệu quả và thiết thực, góp phần tạo chuyển biến trong những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm. Điều này đã được thể hiện trong thông điệp liên bang lần này”, ông Gergen cho biết.
Sự tập trung của Tổng thống Biden vào các vấn đề rất cụ thể, như kiểm soát các công ty công nghệ… là lĩnh vực mà Nhà Trắng tin rằng sẽ gây được tiếng vang với những người Mỹ.
Đồng quan điểm, ông Raul A. Reyes, bình luận viên của USA Today cho rằng: Tổng thống Biden đã liên kết một cách thông minh với các vấn đề dân túy, chẳng hạn như bắt các tập đoàn giàu có phải trả phần thuế công bằng của họ và đề xuất rằng tất cả các dự án cơ sở hạ tầng liên bang đều sử dụng vật liệu do Mỹ sản xuất.
>> Mỹ- Trung “sôi sục” vì sự cố khinh khí cầu
Mặc dù vậy, ông Justin Gest, Phó giáo sư tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar của Đại học George Mason đánh giá, bài phát biểu của Tổng thống Biden chưa có những điều nổi bật để thực sự tạo ra sự thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh chính trị khó khăn khi ông phải đối mặt với việc các đảng viên Cộng hòa đang nắm quyền tại Hạ viện, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh sự sẵn sàng thỏa hiệp của ông trong Thông điệp liên bang. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa hợp tác để cùng nhau có thể đạt được các thành tựu mới trong thời gian tới.
Hướng tới các đảng viên Cộng hòa, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Người dân đã gửi cho chúng ta một thông điệp rõ ràng về yêu cầu cấp bách phải tìm ra tiếng nói chung. Chúng ta được cử đến đây để hoàn thành công việc.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, không có dấu hiệu Tổng thống Mỹ sẽ nhượng bộ đảng Cộng hòa trong vấn đề nâng trần nợ công. Đề cập đến yêu cầu từ đảng Cộng hòa về việc việc tăng trần nợ công phải song hành với cắt giảm chi tiêu, ông Biden lưu ý rằng không có Tổng thống nào làm tăng nợ quốc gia nhiều hơn người tiền nhiệm của ông- cựu tổng thống Donald Trump.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Mỹ vẫn bị chia rẽ như trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và đa số mong đợi ông Biden hành động nhiều hơn để phá vỡ tình trạng bế tắc đảng phái trong hai năm tới.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]