Việc sớm tháo gỡ các rào cản chính sách sẽ tạo hành lang pháp lý cơ bản cho các công ty Fintech, các ngân hàng có thể yên tâm kinh doanh và người dùng sẽ được bảo vệ nếu có rủi ro xảy ra.
>> Người tiêu dùng Việt tích cực ứng dụng thanh toán không tiền mặt
Tăng trưởng đột phá
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022 đã có sự tăng trưởng 85% về số lượng giao dịch và 31% giá trị giao dịch.
Về số lượng và giá trị thường có sự chênh lệch và giá trị thấp hơn, nhưng điều này không phải nỗi lo mà là một điểm mừng, bởi vì với những giao dịch giá trị thấp, điều đó chứng tỏ người dân đã sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn chứ không phải chỉ có các doanh nghiệp như trước đây.
NHNN cũng cho biết, về các kênh giao dịch điện tử, tốc độ tăng trưởng qua Internet, điện thoại di động, hay quét mã QR đều có sự tăng trưởng với con số lần lượt là 89%, 116% và 185%. Mức tăng trưởng 3 con số của kênh giao dịch qua điện thoại di động và QR cho thấy, người dân đang ngày càng quen với các phương tiện thanh toán không tiền mặt.
Trước đây có nhiều ý kiến lo ngại, các công ty Fintech xuất hiện sẽ tạo ra áp lực đối với ngành ngân hàng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB Fintech Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của Fintech là sự hợp tác mang tính chất cộng hưởng các điểm mạnh và giảm thiếu điểm yếu giữa Fintech và ngân hàng.
Ở Việt Nam thời điểm này, có ba kỳ lân được định giá trên tỷ đô la Mỹ, họ đều có trung gian thanh toán như MoMo – một trong những siêu ứng dụng cung cấp ví điện tử cho hàng chục triệu người dân Việt Nam và cũng có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng. Hay VNPay được NHNN cấp phép trung gian thanh toán, có nhiều dịch vụ quét mã QR và các dịch vụ tiện ích khác nhau dựa trên mobile banking. Và ZaloPay, cũng là một tiện ích trung gian thanh toán dựa trên nền tảng mạng xã hội thuộc VNG – công ty được định giá tỷ đô tại Việt Nam. Ba kỳ lân này đều dựa trên nền tảng hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.
Còn trong lĩnh vực cho vay, ví dụ các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit hợp tác với VP Bank, hay Viet Credit hợp tác với ngân hàng Bản Việt,… Qua đó họ có thể tận dụng nguồn vốn của các ngân hàng, các kinh nghiệm, lợi thế về mặt công nghệ để hai bên cùng phát triển.
>> Ngân hàng và công ty Fintech bắt tay đem sản phẩm đầu tư lên app
Dư địa còn lớn
Có thể thấy, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển hướng đến công nghiệp và dịch vụ. Đây là cơ hội rất lớn cho lĩnh vực chuyển đổi số cũng như tối ưu hóa các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội để tạo ra dư địa lớn.
Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và đến 2030 sẽ chiếm 30%. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2025, kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 ở khu vực ASEAN với tổng giá trị GDP lên đến 570 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2025, 20% của 570 tỷ USD sẽ là 114 tỷ USD. Đây là con số vô cùng lớn và là dư địa lớn cho tất cả các doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế xã hội, để cùng nhau phát triển và khai thác tiềm năng này.
Ông Nguyễn Đăng Hùng cũng nhận xét, hiện nay, các ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán đang nắm bắt một khâu rất quan trọng đó là thanh toán trong chuỗi giá trị chuyển đổi số. Về thanh toán dịch vụ công, chúng ta không thể có thanh toán dịch vụ công cấp độ 4 nếu không có thanh toán trực tuyến, như thu phí không dừng, trả lương hưu, bảo hiểm,… Điều này cho thấy, các ngân hàng, các trung gian thanh toán đã tận dụng tối đa cơ hội trong lĩnh vực chuyển đổi số.
“Chính vì vậy, đơn vị nào hiểu được khách hàng của mình, đầu tư mạnh mẽ, làm chủ được công nghệ và dám đổi mới sáng tạo, cũng như triển khai nhanh chóng các ứng dụng số mới, thì chắc chắn họ sẽ thành công và là những đơn vị tận dụng được tối đa tiềm năng phát triển”, ông Hùng nói.
>> Đưa thanh toán không tiền mặt đến các tiểu thương
Gỡ rào cản chính sách
Tuy nhiên theo vị chuyên gia, cũng có những vấn đề về thể chế chính sách cần được Chính phủ lưu tâm hơn. Ví dụ trong lĩnh vực thanh toán, NHNN đã có sự đầu tư xây dựng Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Đây cũng là cái cụ thể hóa chính sách của Chính phủ.
Nhưng tính đến thời điểm này, có khoảng 154 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có khoảng gần 50 công ty Fintech là trung gian thanh toán và được quản lý bởi NHNN; còn lại các lĩnh vực khác vẫn chưa có sự quản lý một cách cụ thể. Việc này đặt ra rủi ro cho các công ty Fintech, họ sẽ chưa yên tâm trong việc tổ chức kinh doanh và điều quan trọng là nếu có những rủi ro xảy ra, thì người tiêu dùng, khách hàng của các công ty này cũng không được bảo vệ. Vì vậy, ở khía cạnh các công ty Fintech và các ngân hàng đều mong muốn Dự thảo này sẽ sớm chính thức được ban hành.
Ngoài ra còn có Nghị định 101 sửa đổi về lĩnh vực thanh toán cũng có thể coi là một luật trong lĩnh vực thanh toán được NHNN xây dựng, có quy định nhiều thứ về thanh toán xuyên biên giới, ngân hàng đại lý,… Nghị định này ban hành sớm sẽ là một sự tháo gỡ rất tốt và tạo hành lang pháp lý cơ bản cho các công ty Fintech, cũng như các ngân hàng có thể yên tâm kinh doanh; Đặc biệt người dùng và khách hàng sẽ được bảo vệ nếu có rủi ro xảy ra.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hành lang pháp lý, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc VPBank đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý phù hợp, để các ngân hàng có thể triển khai các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính trực tuyến một cách thuận lợi. Cần xem xét công nhận chữ ký số cho các giao dịch vay mua nhà, mua xe, hay hợp thức hóa việc định danh trực tuyến (eKYC) và cuộc gọi có hình ảnh (video call), trong trường hợp xảy ra tranh chấp và tố tụng giữa hai bên…
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]