Thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý 1/2023 với nhiều ngành có nhu cầu tuyển dụng cao ngay sau dịp Tết.
>>>Đề xuất sửa quy định về Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết với sự phục hồi tích cực của kinh tế Thủ đô trong năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý 1/2023.
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vì thế sẽ tiếp tục gia tăng. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, một số nhóm ngành đang có nhu cầu tuyển dụng lớn phải kể đến như: Vận tải – logistics; dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; công nghệ – thông tin… Tổng nhu cầu tuyển dụng trong quý 1 dự kiến khoảng 100.000 – 120.000 vị trí việc làm.
Trong đó, ở khối doanh nghiệp vận tải – logistics, nhu cầu tuyển dụng trong quý 1/2023 dự kiến khoảng 14.000 – 18.000 vị trí, chủ yếu tuyển dụng ở các vị trí là lái xe, nhân viên kho… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có nhu cầu tuyển dụng ước tính khoảng 10.000 – 15.000 vị trí. Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là nhân viên môi giới, nhân viên trực tổng đài…
Hoạt động tài chính – ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000-20.000 vị trí, tập trung chủ yếu ở các vị trí như nhân viên giao dịch, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhân viên thẩm định tài sản.
Công nghệ thông tin luôn là ngành có nhu cầu tuyển dụng ổn định, và được dự báo là một lĩnh vực tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong năm 2023. Trong quý 1, theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ 12.000 – 15.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game…
Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, ngay sau Tết, gần 500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.300 lao động, trong đó chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc da giày, điện tử, hóa nhựa… Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cũng dự báo trong quý I năm nay, thành phố cần khoảng 79.000 – 87.000 lao động. Trong đó, gần 70% nhu cầu tuyển dụng tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 30%.
Trước đó, Báo cáo Khảo sát lương 2023 được Navigos Group công bố cũng phần nào củng cố nhận định rằng công nghệ thông tin là ngành luôn có nhu cầu tuyển dụng tốt, nhất là sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin đã có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, các doanh nghiệp với dữ liệu khách hàng lớn như ngân hàng, viễn thông và bán lẻ đã tuyển dụng thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Ngoài các nhóm ngành trên, nhờ có nhiều chính sách, chương trình kích cầu du lịch được ban hành, thúc đẩy hoạt động phục hồi và tăng trưởng mạnh nên dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch cũng hứa hẹn sẽ là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong quý 1 và giai đoạn tiếp theo. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của nhóm này khoảng 10.000 – 12.000 vị trí.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng trong những ngày đầu xuân 2023.
>>>Nghiên cứu dùng kinh phí công đoàn hỗ trợ lao động mất việc
Tuy nhiên, trong quý I và II, không ít doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn do tác động của thị trường thế giới, vì vậy có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Để đẩy mạnh hoạt động giải quyết việc làm, bộ sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa nhằm kết nối cung – cầu lao động. Đặc biệt, bộ sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng, kịp thời đáp ứng thị trường lao động, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam thì cho rằng, phải chấp nhận thực trạng của thị trường để có những giải pháp căn cơ chứ không chỉ bằng những hỗ trợ khi thấy một nhóm lao động bị tác động.
Biện pháp căn cơ ở đây được hiểu là sự chuẩn bị, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin, cơ hội tuyển dụng, chuyển dịch cho họ, đặc biệt với nhóm lao động trên 35 tuổi. Theo đó, Chính phủ, các địa phương có thể tính đến đẩy mạnh các chương trình cụ thể hỗ trợ cụ thể đào tạo, kết nối, tư vấn cho người lao động…
“Nếu được đào tạo nghề tốt hơn, khi gặp cú sốc, ít nhất họ vẫn có cơ hội chuyển đổi công việc. Đào tạo không chỉ là tay nghề mà họ còn được chuẩn bị về kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, tìm kiếm công việc”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đến việc chính sách phải giữ chắc được lưới an sinh, vì đây là vùng đệm cho người lao động.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]