Cả Alphabet, Microsoft lẫn Meta đều thể hiện ý định chuyển đổi mục tiêu ưu tiên, tập trung nhiều hơn nguồn lực vào trí tuệ nhân tạo (AI).
>>Sa thải – hiện tượng nổi bật nhất làng công nghệ 2022
“Sự thay đổi khó khăn”, “khoảng thời gian thử thách”, “lựa chọn không dễ dàng”
Đó là những từ mà người ta thường thấy trong các văn bản cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt, cũng như trong các báo cáo doanh thu của những ông lớn ngành công nghệ. Thế nhưng không chỉ có vậy, họ còn có một điểm chung khác, đó là xác định AI sẽ là tương lai của công nghệ, từ đó tập trung tối đa nguồn lực (cả tiền bạc) cho những dự án máy học.
Chỉ riêng trong năm nay, tính đến thời điểm này, đã có hơn 86.000 nhân viên phải nghỉ việc từ hơn 270 công ty công nghệ. Trong đó Alphabet sa thải 12.000, Microsoft 10.000, Amazon 8.000. Trước đó hồi tháng 11 năm ngoái, Meta cũng cho nghỉ việc 11.000 nhân viên. Tổng cộng năm 2022 có đến 160.000 lao động bị mất việc.
Ba trong số những công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất, bao gồm Alphabet, Microsoft và Meta, đều nói rằng họ tận dụng khoảng thời gian cắt giảm nhân sự này để thử nghiệm và nâng cao các dự án AI “cây nhà lá vườn” của mình. Một thống kê từ Reuters cho thấy trong báo cáo thu nhập quý này, các cụm từ như “AI”, “generative AI” (AI tạo sinh) hoặc “học máy” được sử dụng thường xuyên nhiều gấp 2 đến 6 lần so với quý trước.
Giới công nghệ hiện nay đang cạnh tranh nhau vị trí trong generative AI, một ngành tạo ra đến 1,4 tỷ doanh thu vào năm ngoái. Mọi chuyện càng trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết khi ChatGPT của OpenAI trở thành ứng dụng có chỉ số phát triển khủng nhất từ trước đến nay, với xấp xỉ 100 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng qua.
Ông Sundar Pichai, CEO Alphabet và Google, từng viết trong một bài blog hồi tháng 1 rằng công ty của ông “có cơ hội đáng kể” trong lĩnh vực AI và đang điều chỉnh các định hướng để nhắm bắt hoàn toàn cơ hội đó dựa trên những khoản đầu tư ban đầu của Alphabet vào AI.
>>Năm mới, sa thải “cũ”
Báo cáo doanh thu quý 4 công bố hồi thứ 5 tuần trước cũng tập trung rất nhiều vào AI, khi Google thông báo chuyển công ty về AI là DeepMind ra khỏi Other Bets và sáp nhập lại vào Google. Đồng thời Pichai tuyên bố Google sẽ nhanh chóng tích hợp tác tính năng tìm kiếm dựa trên AI vào công cụ tìm kiếm của mình. Có vẻ như ông đang đề cập đến một chabot giống ChatGPT mà Google đã tự triển khai, cũng như một trang tìm kiếm hỏi-đáp dựa trên mô hình ngôn ngữ LaMDA.
Trong khi đó ông Satya Nadella, CEO Microsoft, chia sẻ về những tiến bộ AI trong bản thông báo sa thải nhân viên của công ty. Ông viết rằng công nghệ đang thúc đẩy “làn sóng điện toán lớn tiếp theo”, với việc Microsoft sử dụng mô hình AI để xây dựng “nền tảng điện toán mới”. Đồng thời ông cho biết mặc dù Microsoft cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận, nhưng sẽ tuyển thêm người cho các lĩnh vực quan trọng, có thể là AI.
Ông Mark Zuckerberg, CEO Meta, cũng làm điều tương tự trong thông báo hồi tháng 11. Zuckerberg chia sẻ rằng công ty đang tập trung tiền bạc và nguồn lực cho “các lĩnh vực phát triển ưu tiên cao”, chẳng hạn công cụ khám phá AI. Theo khẳng định từ ông, thì AI sẽ được áp dụng cho cả Facebook và Instagram, chứ không chỉ dành cho metaverse. Việc áp dụng AI vào hai nền tảng MXH, bao gồm các thuật toán đề xuất, sẽ giúp họ phân phối bản tin phù hợp hơn đến người dùng, từ đó tối ưu công nghệ nhắm mục tiêu quảng cáo trên Facebook và Instagram.
Trong năm ngoái, cả Meta, Google và Amazon đều ra mắt các công cụ generative AI cho video và hoạt hình. Gần đây hơn, Microsoft thông báo mối quan hệ hợp tác với OpenAI, đơn vị tạo nên ChatGPT, với ý định đưa những công cụ văn bản của OpenAI vào các sản phẩm Office như Word, Outlook và PowerPoint.
Khi các công ty tập trung vào AI, thì hiển nhiên cơ hội việc làm ở ngành này sẽ dồi dào hơn so với các mảng khác của thế giới công nghệ nói chung. Và điều này đã được chứng minh bởi số liệu, khi ZipRecruiter chỉ ra rằng việc làm công nghệ trong tháng 1 chỉ tăng hơn 2% so với tháng 2/2020, nhưng các vị trí làm về AI lại tăng 6,3%.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]