Nội dung chính
Khổ sở vì đường đi phụ thuộc vào hàng xóm
Nhiều người đang phải đối mặt với những rắc rối không đáng có chỉ vì mua đất mà không kiểm tra kỹ về lối đi.
Thẫn thờ vì mảnh đất 6 tỷ đồng mua để đầu tư rơi vào tình trạng “đi cũng dở, ở không xong”, anh Đặng Duy Linh ngậm ngùi: “Mọi chuyện bắt đầu khi tôi mua mảnh đất ở xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với giá tốt, pháp lý đầy đủ. Trên giấy tờ, ngõ dẫn vào mảnh đất được ghi nhận là ngõ chung. Nhưng chỉ vài tuần sau khi ký hợp đồng mua bán, hàng xóm tuyên bố ngõ là của họ, tôi không có quyền đi ngõ này”.

Ngõ nhà anh Linh bị hàng xóm xây dựng chắn lối vì tranh chấp.
Vô cùng ngỡ ngàng, anh tìm hiểu mới biết, mảnh đất này được chia từ lô đất lớn và con ngõ là đất của nhà bên cạnh cho đi nhờ.
“Lần đầu, địa chính làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ghi nhận ngõ chung, nên về mặt pháp lý, tôi hoàn toàn có quyền sử dụng. Tuy nhiên, sau đó, mọi chuyện nảy sinh”, anh Linh kể lại.
Tranh chấp lối đi gây ảnh hưởng cuộc sống
Tương tự, mảnh đất của chị Kim Anh nằm liền kề ngõ số 2 và ngõ số 4 đường trục xã Kim An, thuộc thôn Ngọc Liên (xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội) cũng bị hàng xóm xây tường chắn lối đi, do tranh chấp lối đi chung.

Mảnh đất của nhà chị Kim Anh bị rào chắn ngang ngõ, không có lối đi.
“Trước đây, nhà tôi chưa có nhu cầu sử dụng đến ngõ số 2, nên không đi lối đó. Khi có ý định mở lối đi ngõ số 2, gia đình tôi đã hỏi chính quyền về nguồn gốc và được biết, đây là đất công cộng do Nhà nước quản lý và trong ngõ có 6 hộ gia đình được quyền sử dụng ngõ này”, chị Kim Anh nói.
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Kim An cho biết, qua tiếp nhận đơn của công dân, xã đã xác minh với các cụ cao tuổi trong thôn Ngọc Liên và trên cơ sở bản đồ địa chính năm 1962, bản đồ năm 1997, giấy chứng nhận của các hộ gia đình cung cấp, ngày 7/10/2024, xã đã có văn bản xác nhận ngõ số 2 đường trục xã Kim An là ngõ đi công cộng.
Làm thế nào để tránh rắc rối?
Ông Trần Tiến Thành, chuyên gia môi giới, tư vấn đầu tư bất động sản độc lập cho biết, câu chuyện của anh Duy Linh và chị Kim Anh không quá lạ lẫm.
“Mảnh đất dù đẹp nhưng không có đường đi hợp pháp thì không thể tách thửa, không được xây dựng, không thể công chứng sang tên bình thường và không thể bán lại dễ dàng, trừ khi gặp người không hiểu luật”, ông Thành nói.
Luật sư Nguyễn Thụy Hân, phụ trách Cộng đồng ngành Luật của Công ty CP LawSoft cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu thửa đất bị vây bọc bởi các bất động sản khác, không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu đất liền kề dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Giải pháp cho đất không có lối đi
Khi mua đất, cần kiểm tra kỹ về quy hoạch, pháp lý và thực tế để tránh những rắc rối không đáng có.
Theo chuyên gia Trần Tiến Thành, khi mua đất phải kiểm tra chắc chắn có tên đường trong bản đồ quy hoạch, có lối đi được Nhà nước công nhận, có xác nhận rõ ràng từ chính quyền địa phương thì mới nên “xuống tiền”.