>>Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh về nội dung “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2)”, ngày 13/2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những gì Quốc hội trao. Do đó, đề nghị các cơ quan rà soát lại theo ý kiến thẩm tra.

Đã cam kết là phải làm

“Do đó, những dự án không đúng tiêu chí của Quốc hội đã quyết thì loại ra. Nếu có thay đổi phải trình Quốc hội cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tính toán thêm về cơ cấu vốn và cho rằng đối với việc điều chỉnh tên dự án là quá trình tất yếu trong quá trình chuẩn bị và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm. 

Đối với các dự án của Trung ương, nhất là các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tình hình thu ngân sách 2021-2022 tốt nhưng tình hình 2023-2025 có thể không được như dự kiến, một số địa phương phản ánh có khả năng cam kết vốn cho dự án quan trọng quốc gia có thể không đạt.

Về vấn đề này, địa phương đã cam kết là phải làm và không làm được thì phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc những nội dung Quốc hội đã có nghị quyết vào thì phải thực hiện đúng Nghị quyết. Do đó, cơ quan thẩm tra phối hợp với Chính phủ để rà soát lại các dự án, kiên quyết loại những dự án không đúng. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cách thức sử dụng các nguồn vốn một cách tổng thể; đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn khách quan, linh hoạt vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

>>Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán

>>[eMagazine] Mọi quyết sách của Quốc hội đều hướng tới người dân và doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QH

Cơ bản đồng tình với nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, song Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ nguyên nhân, lý do có sự sự chênh lệch giữa các số liệu trong các báo cáo, đặc biệt là trong việc phân bổ vốn cho ngành y tế, cho việc đảm bảo an sinh xã hội. 

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực y tế còn chậm, không đảm bảo tiến độ giải ngân trong năm 2022-2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, khẩn trương giải ngân dự án để đáp ứng đúng quy định của Chương trình. 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cân nhắc bố trí đầu tư thực hiện các chính sách xã hội như phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy chưa được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hoặc chưa có ngân sách để triển khai, đầu tư thực hiện.

Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm rà soát các vấn đề nhu cầu vốn của các bộ, ngành, các địa phương, các lĩnh vực xã hội để bố trí vốn hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực, tránh mất cân đối, đảm bảo đồng bộ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng với các mục tiêu chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.

Băn khoăn danh mục dự án

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quy định rất rõ về nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ, giao vốn. Do đó, trong lần giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2) này cần bám sát các nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội quy định để triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

Đối với các dự án cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi danh mục dự án trình lần này có những dự án giải ngân trong cả giai đoạn 2024-2025, trong khi Nghị quyết 43 quy định giao vốn cho các dự án giải ngân cho giai đoạn 2022-2023.

Ngoài ra, việc đề xuất bố trí điều chỉnh vốn cho 4 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông cũng khiến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm rõ 3 trong 4 dự án này đã có nghị quyết của Quốc hội quy định trong đó xác định tỉ lệ vốn trung ương, vốn địa phương, yêu cầu Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố có dự án đi qua có Nghị quyết cam kết bố trí vốn, tiến độ cụ thể.

Nếu lần này có sự điều chỉnh thì dù không có thay đổi về tổng mức đầu tư, không thay đổi về kết cấu hạ tầng như thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nêu nhưng cũng đã có sự thay đổi so với quy định của Nghị quyết của Quốc hội. 

Mặt khác, số vốn còn lại chưa giao là rất nhiều thì việc giải ngân trong năm 2023 như tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội sẽ không khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt vấn đề cần phải làm rõ vấn đề này và phải có phương án để xử lý vốn một cách phù hợp, có hiến kế để điều hòa vốn của Chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế với vốn đầu tư công.

Ba nguyên nhân gây chậm triển khai dự án

Giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phân giao và triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là rất chậm. Trong đó có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tập trung vào ba nguyên nhân chính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Thứ nhất, phải thực hiện đúng Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí. Thứ hai, phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, những vấn đề đó sẽ làm mất thêm thời gian. Thứ ba, các đề xuất của một số bộ, ngành và địa phương không sát thực tiễn.

Trong khi đó, Chính phủ đã có 17 Nghị quyết và Công điện, Bộ Kế hoạch Đầu tư thì có khoảng 23 văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng không làm được, không triển khai được, không triển khai được thì không giao được.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những dự án triển khai cũng như được giao vào đợt một hay các đợt sắp tới sẽ luôn luôn được thực hiện thận trọng, nghiêm túc, Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục và trình tự. Đúng và đủ thì Chính phủ mới trình chứ không trình sai và khác với Nghị quyết 43.

Đối với những dự án kéo dài sang năm 2024 và 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay chỉ cho phép Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2022 và năm 2023 nhưng lại cho phép sử dụng nhiều nguồn vốn hỗn hợp để cùng thực hiện một dự án. Các dự án này lại theo phân theo nhóm A, nhóm B, nhóm C nên mới kéo dài, và thẩm quyền phê duyệt các dự án này là của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ sẽ chỉ đạo theo hướng thực hiện đúng Nghị quyết số 43, Luật Đầu tư công và đôn đốc, thúc đẩy việc giải ngân. Trong đó, Quốc hội đã cho phép điều hòa giữa các nguồn vốn để đảm bảo linh hoạt và đảm bảo hiệu quả.

Trong thời gian năm 2022 và 2023, đặc biệt là trong năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải ngân hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn các nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác sẽ thực hiện ở năm 2024 và năm 2025.

Về số vốn các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay các dự án đã được phân cấp cho địa phương và chuyển vốn đã giao Bộ giao thông cho các địa phương. Như vậy sẽ giảm vốn của Bộ Giao thông vận tải và tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Thống nhất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 4 dự án

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về nguyên tắc và tiêu chí phân bổ vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện phân bổ vốn đúng theo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 29 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo khả năng hấp thụ vốn, tính công khai, minh bạch, hài hòa giữa các vùng miền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: QH

Về danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ và dự án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn dự kiến cho 129 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến nêu tại báo cáo thẩm tra và ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm chi tiết về từng nhiệm vụ, dự án khi quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương bố trí đủ phần vốn địa phương đã cam kết để hoàn thành đúng tiến độ các dự án sử dụng cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách đia phương. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 3 dự án quan trọng quốc gia đã bố trí vốn cho Bộ Giao thông vận tải để bố trí cho các địa phương thực hiện các dự án thành phần theo phân cấp, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.

 

[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]

Đánh giá của bạn:

[wpcc-script]