Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trầm lắng nếu không muốn nói là đóng băng sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Những ngày này, dù đã qua hơn nửa tháng Giêng Quý Mão 2023, nhưng dường như không khí làm việc của các doanh nghiệp bất động sản, môi giới dự án dường như vẫn chưa được “sốc” lại. Những “lời than” về thị trường quá khó phải cho nhân viên nghỉ việc, thậm chí đóng cửa công ty,… hiện diện khắp nơi!!!
Trò chuyện cùng Giám đốc công ty bất động sản tại Miền Trung cho biết với những diễn biến của thị trường hiện nay, dù không muốn nhưng anh buộc lòng phải đóng cửa công ty. “Thị trường đóng băng nên sau Tết, công ty chỉ mở cửa “lấy ngày” rồi đóng cửa chứ buôn bán gì với tình hình này”, vị lãnh đạo trên cho hay.
Dạo một vòng trên đường 2/9, con đường một thời được mệnh danh là “con đường bất động sản” cũng dễ nhận thấy không khí ảm đạm bao quanh các doanh nghiệp bất động sản. Tại trụ sở một số công ty, thay vì cảnh tấp nập vào ra, quần là áo lượt, xe tay ga bóng loáng thì hiện nay rất vắng vẻ. Ghé trụ sở một doanh nghiệp thì thấy thay vì tập trung ở phòng làm việc, gọi điện, chăm sóc khách hàng – nhiều môi giới ngồi túm năm tụm bảy ở quán cà phê gần đó bấm điện thoại, nói chuyện…
Lãnh đạo một công ty cho biết công ty đã trả mặt bằng, chính thức đóng cửa. “Chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng là mấy chục triệu đồng/tháng, đó là chưa kể phải trả lương cứng cho nhân viên, rồi tiền bảo hiểm, …. Khó khăn lắm trong khi 6 tháng gần đây nguồn thu gần như bằng không nên dù đã rất cố gắng, chúng tôi buộc phải đóng cửa vì không xoay được tiền để duy trì”, vị này chua chát.
Tình hình bi đát nên các công ty – dù có nguồn hàng cũng đang loay hoay tìm đại lý phân phối. Giám đốc một sàn giao dịch (đề nghị không nêu tên) cho biết, anh vừa đi họp đại lý theo lời mời của Công ty N trên trên đường 30/4 về. “Công ty trên là đơn vị phát triển hai dự án – một ở Quảng Nam và một ở Bình Định với hàng trăm sản phẩm nhưng cuộc họp chỉ có 5 đơn vị môi giới tham gia”, anh nói.
Những con số thống kê cũng cho thấy thị trường đang thật sự khó khăn. Báo cáo của Hội môi giới Bất động động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.
Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường bất động sản chỉ đạt mức 14%.
Còn tại Đà Nẵng, theo khảo sát của PV, giá đất tại nhiều khu vực đã giảm mạnh nhưng tình hình giao dịch dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Đơn cử như giá đất nền tại khu đô thị Nam Việt Á đang giảm khoảng 500 triệu đồng/lô tùy vị trí, tương đương khoảng 20-30% giá trị so với thời điểm đầu năm 2022. Khu vực Hòa Xuân cũng không thoát khỏi tình trạng trên khi nhiều lô đất giảm nhưng giao dịch vẫn không được cải thiện.
Những con số biết nói
Có lẽ đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thị trường rất ảm đạm như đã nói ở trên: Hầu hết các phòng giao dịch BĐS trên địa bàn TP đều đóng băng, các chủ dự án đều ghìm dù sản phẩm đã có, nhiều chủ dự án đã có kế hoạch “tung” hàng từ trước nhưng cuối cùng đành thu lại vì thị trường quá trầm lắng. Trong những ngày đầu năm 2023 Dương lịch, đầu năm Quý Mão âm lịch này, thị trường bất động sản Đà Nẵng hầu như rơi vào giấc ngủ im lìm.
Nguyên nhân chính của hiện tượng trầm lắng trên thị trường theo các chuyên gia là do ảnh hưởng của việc siết tín dụng vào bất động sản, lãi suất tăng cao và những dự báo kém phần tích cực đã khiến các nhà đầu cơ chùn tay, những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự cũng dao động trước số tiền lãi phải trả hàng tháng quá khủng khiếp.
“Dường như nhà đầu tư cũng như những người có nhu cầu thật đang quan sát và chờ đợi với hy vọng giá bán và lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Văn Tuấn Huy – Tổng Giám đốc Dana Invest nhìn nhận
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]