Từ nền tảng của năm 2022, ngay từ đầu năm 2023 TP Hải Phòng đã có sự tăng tốc để đạt được mục tiêu đề ra.
>>>Trung Quốc chưa mở tour du lịch: Mục tiêu 8 triệu khách quốc tế có ảnh hưởng?
>>>Mục tiêu 2033 Việt Nam là quốc gia công nghệ sinh học
Mục tiêu lớn
Phải nói, năm 2022 là một năm thành công của TP. Hải Phòng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 12,32% gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 108.674,96 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán Trung ương giao và 102,9% dự toán HĐND thành phố giao.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa ước 41.000 tỷ đồng, đạt 129,2% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao. Sản lượng hàng qua cảng cả năm là 168 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch HĐND thành phố giao. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Từ những thành công trên, năm 2023, Hải Phòng đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khoảng 12,7% – 13% so với năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 8.150 USD; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 116.181,187 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 42.500 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 190.000 tỷ đồng; Thu hút khách du lịch đạt trên 7,3 triệu lượt khách; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,0 – 2,5 tỷ USD…tiếp tục phấn đấu giữ vị trí cao trong CLB thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng nhấn mạnh, những chỉ tiêu năm 2023 ở mức khá cao nhưng đó là sự tăng tốc cần phải có của thành phố để không bị lỡ nhịp tăng trưởng từ nay tới năm 2025-2030, thực hiện bằng được mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; Nghị quyết đại hội XVI của Đảng bộ thành phố đề ra. Để tăng tốc và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra, trong năm nay, Hải Phòng cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ mang tính điểm tựa và là động lực tăng trưởng cho thành phố.
Theo báo cáo, đến hết tháng 1/2023, các chỉ tiêu kinh tế của TP Hải Phòng đã có sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, tăng khoảng 15% so với kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách thành phố đạt gần 8.600 tỷ đồng, bằng trên 7% dự toán (dự toán HĐND Thành phố giao 116.442 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa đạt trên 4.300 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 4.200 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 70 triệu USD, bằng 39% so với cùng kỳ năm 2022…
Những nhiệm vụ mang tính điểm tựa
>>>Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2023
>>>Quảng Nam đối mặt với những thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Theo xác định của Thành uỷ Hải Phòng, để đạt được các tiêu chí trên, năm 2023, Hải Phòng tiếp tục có những giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển – logistics; du lịch – thương mại. Định hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững với trọng tâm là chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cai, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch tập trung vào công nghiệp điện gió ngoài khơi, điện năng lượng mặt trời.
Có lẽ vì thế mà ngay từ tháng đầu năm 2023, thành phố đã có những hành động được thể hiện rất rõ ràng qua nhiều dự án, công trình trọng điểm được khởi công. Như dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị – Hành chính thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5; dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân…
Theo UBND TP Hải Phòng, các giải pháp cho năm 2023 là phải tập trung đầu tư cho hạ tầng và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp để thúc đẩy được ngành công nghiệp của Thành phố phát triển nhanh hơn, vì ngành này đang chiếm đến 49% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của Hải Phòng.
Bên cạnh đó, phải đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển dịch vụ. Do đó, năm 2023, Hải Phòng quyết tâm khởi công Nhà ga hành khách số 2 và Nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Cùng với hệ thống cảng biển, đặc biệt là Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm logistics quốc tế như Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đã đề ra.
Phải hoàn thành mạng lưới đường ven biển. Các tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển; tuyến đường nối Tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoạn Xá, huyện Kiến Thụy; dự án Đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức (BOT)… sẽ giúp hoàn thiện kết nối liên vùng với điểm cuối là hệ thống cảng biển Hải Phòng, từ đó gia tăng nguồn hàng xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng và kéo theo hệ thống dịch vụ hậu cần logistics của Hải Phòng phát triển mạnh.
Cần nhanh chóng xây dựng quỹ nhà ở xã hội để phục vụ người lao động. Hiện Thành phố đang đặt mục tiêu tăng dân số, trước mắt đến năm 2030 đạt 2,8 triệu dân (theo Dự thảo Báo cáo quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030). Để đạt được mức này, Hải Phòng phải tạo lập được môi trường sống, học tập, an sinh xã hội tốt. Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục đấu thầu nhà ở xã hội, gắn với sửa các chung cư cũ; khởi công 2 dự án nhà ở gồm: khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên và khu nhà ở công nhân viên Công ty TNHH Pegatron Việt Nam.
Phải tập trung đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nhân lực. Theo đó, Hải Phòng sẽ tập trung hoàn thiện đầu tư cơ sở mới của Trường cao đẳng Công nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp đào tạo công nhân kỹ thuật trực tiếp; thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào ngành giáo dục với trường dạy nghề.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]