Đang có những thông tin cho rằng, Tập đoàn Intel đang xem xét tăng đáng kể khoản đầu tư 1,5 tỷ USD hiện có tại Việt Nam.
>>>Vì sao Intel đầu tư thêm nửa tỷ USD vào Việt Nam?
Kế hoạch của Intel
Hãng thông tấn Reuters mới đây đã dẫn một nguồn tin quen thuộc cho biết, gã khổng lồ chip của Mỹ đang xem xét một khoản đầu tư thêm có thể lên tới trị giá khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam, nhằm mở rộng nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip.
Theo đánh giá của Reuters, động thái này của Intel sẽ báo hiệu vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, khi các công ty nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan vì rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại với Mỹ.
Một trong những nguồn tin cho biết, khoản đầu tư này có thể sẽ được thực hiện “trong những năm tới và thậm chí có thể lớn hơn 1 tỷ USD”, trong khi nguồn tin thứ hai cho biết Intel cũng đang cân nhắc đầu tư thay thế vào Singapore và Malaysia, những nơi có thể được ưu tiên hơn so với Việt Nam.
Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư khả thi, Intel đã trả lời với Reuters rằng: “Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư mới nào”.
Trên thực tế, Intel bắt đầu đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhà máy tại khu công nghệ cao Sài Gòn, Việt Nam vào năm 2006. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 47.000 m2 và bắt đầu hoạt động từ tháng 10 năm 2010. Gần đây nhất, họ cũng đã tiếp tục đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.
Hiện tại, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD. Cho đến nay, Intel Việt Nam vẫn là dự án đầu tư công nghệ tỷ đô duy nhất của Mỹ vào Việt Nam, đồng thời cũng là nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn cầu.
Nhà máy của Intel tại Việt Nam hiện đang sản xuất những chipset công nghệ mới nhất của Intel bao gồm 5G, IOT, desktop, mobile…, cho khách hàng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, trung tâm này cũng đóng vai trò nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao, kiểm tra và kiểm nghiệm sản phẩm, cũng như cung cấp dịch vụ hậu mãi.
>>>Thấy gì từ việc Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam?
>>>Việt Nam “làm nóng” cuộc đua chip với FPT Semiconductor?
Lý do Intel sẽ chọn Việt Nam?
Trên thực tế, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất chip, thu hút các công ty nước ngoài trong cả ba phân khúc chính bao gồm lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói sản xuất và thiết kế.
Một giám đốc điều hành ngành công nghiệp Mỹ đã nói với Reuters rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực lắp ráp và thiết kế chip. Ông cho rằng, cơ hội lớn nhất của Việt Nam là trong lĩnh vực lắp ráp chip để đáp ứng nhu cầu của ngành nhằm giảm sự tập trung quá mức vào năng lực sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan, cùng chiếm 60% công suất toàn cầu trong phân khúc đó.
Trước đó, hàng loạt các tập đoàn lớn như Microchip, Renesas, Applied Micro (AMCC), Marvell, Arrive Technologies, eSilicon, Sigma Designs, Uniquify… cũng đã đặt các kế hoạch hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực gia công, thiết kế phần mềm bán dẫn.
Ngoài ra, các nhà sản xuất chip bao gồm Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix và NXP Semiconductors cũng đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam. Đầu năm ngoái, Hayward Quartz Technology, một nhà cung cấp OEM lớn, đã được bảo đảm phê duyệt để xây dựng một nhà máy trị giá 110 triệu USD tại Việt Nam.
Mới đây nhất, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, Samsung, sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2023. “Gã khổng lồ” Hàn Quốc đang thử nghiệm các sản phẩm mảng lưới bóng và có ý định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, Intel gần đây đã có thêm đất để đặt nhà máy và việc mở rộng tại Việt Nam có thể sẽ giúp hãng quản lý tốt hơn sự gián đoạn nguồn cung do phụ thuộc nhiều vào một quốc gia hoặc một nhà máy.
Ngoài ra, việc Intel đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam sẽ là một động thái khôn ngoan khi vừa đồng thời đảm bảo rằng việc mở rộng hơn nữa ra nước ngoài và cũng không bị coi là một hành động đi ngược lại những yêu cầu của Washington, vốn đang muốn thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Rõ ràng, đang có rất nhiều lý do Intel sẽ chọn Việt Nam là nơi để mở rộng sản xuất trong tương lai.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]