Đó là một trong những thách thức đối với phát triển kinh tế của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ được ông Đậu Anh Tuấn, chuyên gia của VCCI nêu tại buổi Gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão 2023 mới đây.
>>>Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Khu vực có tốc độ phát triển cao
Trình bày Báo cáo về môi trường kinh doanh các tỉnh vùng Đông Nam Bộ: Thực trạng và Triển vọng tại buổi Gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão giữa lãnh đạo các địa phương với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, cả nước hiện có 291 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, trong đó, các địa phương vùng Đông Nam Bộ + (TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Long An) có tổng số 147 KCN, chiếm 57% số KCN của cả nước.
Các địa phương Đông Nam Bộ + là nơi tập trung của các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành (đang xây dựng), cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, các cảng biển TP HCM, cảng Đồng Nai.
Trong vùng có 13 cửa khẩu đường bộ, trong đó có 4 cửa khẩu quốc tế (Hoa Lư, Xa Mát, Mộc Bài, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Phước Tân) và 6 cửa khẩu phụ (Tân Tiến, Kà Tum, Tống Lê Chân, Vạc Sa, Chàng Riệc và Tà Nông).
Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Số lượng doanh nghiệp logistics tập trung chủ yếu tại TP.HCM với 11.027 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương là 1.655 doanh nghiệp và Đồng Nai có 1.223 doanh nghiệp. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, vùng Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước.
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, Đông Nam Bộ là khu vực có tốc độ phát triển cao, tốc độ đô thị hóa nhanh. Các địa phương trong vùng đóng góp gần 32% GDP của cả nước và là nơi thu hút nhiều lao động từ khu vực nông thôn, nơi giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động từ các khu vực khác.
“Đông Nam Bộ cũng là nơi có nền kinh tế tư nhân phát triển năng động và thu hút vốn đầu tư FDI gần bằng 40% của cả nước, đồng thời, chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đóng góp 37% thu ngân sách cả nước”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Những thách thức lớn
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, vùng Đông Nam Bộ đang đối diện với những thách thức lớn trong phát triển kinh tế như: cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường và chất lượng quản trị công.
Ông cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đang là điểm nghẽn của vùng khi theo kịp nhu cầu thực tế trong phát triển kinh tế. “Giao thông là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng và nghẽn trên cả ba phương thức đường bộ, đường thủy và hàng không”, ông Anh Tuấn nói.
Về đường bô, ông cho biết, khu vực Đông Nam Bộ mới chỉ có 2 tuyến cao tốc hoàn thành là TP.HCM – Trung Lương và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dù có số lượng doanh nghiệp gấp khoảng 6 lần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhưng chỉ có khoảng 91 km (11%) đường cao tốc cả nước.
Tắc đường kéo dài trên các tuyến đường nối TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh. Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, quốc lộ 22 kết nối TPHCM và Tây Ninh đều kẹt xe rất nghiêm trọng. Trong khi đó, các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như cao tốc và vành đai đều đang chậm triển khai.
Về đường thủy nội địa: Vùng có 6 tuyến nội địa tuy nhiên nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền, không phù hợp cho các tàu trọng tải lớn.
Hạ tầng kết nối cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ cùng quá trình dịch chuyển vai trò của cảng biển TP.HCM ra khu vực Cái Mép – Thị Vải (đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải chưa kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành).
Cát Lái là cảng container lớn nhất Đông Nam Bộ nhưng con đường xuống cảng này thì luôn tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm. Cảng Cái Mép – Thị Vải là một trong những cảng tốt nhất của Việt Nam và khu vực nhưng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu chưa triển khai.
Trong khi đó, các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ, hoạt động vận tải đa phương thức gắn với dịch vụ cảng biển còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Về đường hàng không. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện chưa triển khai đầu tư nhà ga T3 để nâng công suất thiết kế theo quy hoạch và đang khai thác vượt quá công suất.
>>>12 nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong năm 2023
“Sân bay Tân Sơn Nhất có vị trí nằm trong khu vực trung tâm đô thị là nguyên nhân gây ra áp lực cho hệ thống giao thông đô thị và tình trạng ùn tắc giao thông. Trong khi đó, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng bị hủy khiến tiến độ dự án sân bay lớn nhất nước có nguy cơ về đích trễ hẹn”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đối với thách thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, ông Tuấn cho rằng, ô nhiễm môi trường đã trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là tại các đô thị lớn. TP.HCM thường xuyên nằm trong số những địa phương bị đánh giá ô nhiễm nhất về không khí. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường của Bộ TNMT, Đông Nam Bộ cũng dẫn đầu cả nước về lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại.
Liên quan đến chất lượng quản trị công, theo ông Tuấn, đánh giá của doanh nghiệp về mức độ chuyển biến tích cực ở các tỉnh ĐNB+ đối với một số lĩnh vực cần cải cách theo Nghị quyết 02 đều giảm so với năm trước.
Việc giải quyết thủ tục về thuế và đất đai còn gây nhiều phiền hà với các doanh nghiệp tại các địa phương Đông Nam Bộ+. Chi phí không chính thức còn phổ biến trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính.
Và những kiến nghị
Từ những thách thức trên, ông Đậu Anh Tuấn nêu những kiến nghị với các tỉnh Đông Nam Bộ+, cụ thể: Nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thúc đẩy liên kết vùng một cách toàn diện, với ưu tiên trước mắt là phát triển cơ sở hạ tầng; Quan tâm hơn nữa tới các kế hoạch hành động về phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường; Tiếp tục các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công và tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, cụ thể: Rà soát các điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính và có giải pháp đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và lĩnh vực đất đai.
Tăng cường tính minh bạch trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền; tăng cường tương tác, đối thoại với người dân và doanh nghiệp;
Có các hình thức theo dõi, đánh giá và kế hoạch cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công để từng bước nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và giảm thiểu tình trạng chi trả chi phí không chính thức;
Hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn đặc biệt trong các chương trình khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ tập huấn về tài chính – kế toán; thực hiện các chương trình khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp; có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng các mô hình “vườn ươm” doanh nghiệp.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]