Sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP. Đà Nẵng bắt đầu tuyển dụng lao động mới để bù đi số lượng người đã nghỉ việc.
>>ChatGPT không chỉ là giải trí
Nhiều doanh nghiệp luôn đảm bảo giờ làm, chế độ cho người lao động song vẫn khó giữ chân được nhân công.
Doanh nghiệp rục rịch tuyển dụng
Tại phiên giao dịch việc làm vừa qua do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng tổ chức đã có 82 doanh nghiệp đăng ký tham gia, có hơn 4.850 vị trí việc làm trống chờ đợi người lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm phần lớn với gần 2.400 vị trí tuyển. Còn lại, gần 1.500 vị trí yêu cầu trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học.
Tuy nhiên, số lượng lao động mà các doanh nghiệp tuyển dụng được là không đáng kể. Vì vậy, các đơn vị vẫn đang chờ người lao động ứng tuyển trở lại để có thể tuyển dụng đủ số lượng cần thiết.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết hiện tại công ty đang có hơn 1800 nhân công đang làm việc và đơn vị đang muốn tuyển thêm 1000 lao động. Theo ông Lĩnh, sau Tết đơn vị của ông có khoảng 30% số lao động nghỉ việc vì nhiều lý do, vì vậy cần bổ sung thêm để chuẩn bị cho thời gian tới.
“Trong thời điểm khó khăn về nguồn hàng, doanh nghiệp vẫn luôn đảm bảo việc làm, chế độ cho người lao động nên phần lớn người lao động vẫn gắn bó với đơn vị. Việc tuyển dụng tại đơn vị vẫn thường xuyên thực hiện, và chúng tôi phải tuyển dụng sớm để có thể đào tạo thêm cho người lao động trong khoảng 2 tháng mới có thể làm việc thành thục. Tuy nhiên, hiện nay rất khó để có thể tuyển dụng đủ số lượng cần thiết, vì vậy đơn vị cũng đang trong quá trình chờ đợi”, ông Lĩnh nói.
Vừa tìm được công việc mới, anh Lê Văn Lợi (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) chia sẻ đã được nhận vào làm lao động phổ thông tại một công ty ở gần nhà, mức lương 7 triệu đồng/tháng cùng với các khoản trợ cấp theo luật định. Lý giải về việc thất nghiệp lâu nay, anh Lợi cho hay công việc tại các khu công nghiệp rất nhiều nhưng lại không có điều kiện để làm 3 ca nên đành chờ việc phù hợp.
“Khi thấy điểm tư vấn việc đặt tại UBND phường Khuê Trung, tôi quyết định đến ứng cử và tìm được việc. Sau Tết, các doanh nghiệp tuyển dụng khá nhiều nên người lao động dễ dàng tìm được công việc”, anh Lợi cho biết.
Thường xuyên tổ chức giao dịch việc làm
Thông tin từ ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng trong năm 2023, đơn vị này sẽ tổ chức 48 phiên giao dịch việc làm định kỳ để kết nối doanh nghiệp với nguồn nhân lực địa phương. Trong đó, Trung tâm này sẽ chú trọng xúc tiến, kết nối để mở thêm điểm tư vấn tại các địa phương đông lao động để người dân dễ dàng tiếp cận công việc hơn.
“Mỗi tháng trung tâm sẽ phối hợp cùng với các tỉnh thành miền Trung và Tây nguyên tổ chức phiên online giao dịch việc làm nhằm kết nối, hỗ trợ tối đa cho người lao động các tỉnh thành với doanh nghiệp tại Đà Nẵng”, ông Diệp cho biết.
Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Đà Nẵng, Sở này sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm trong năm 2023. Trong đó, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để người lao động dễ đàng tìm việc hơn.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn lao động, tăng cường công tác tự kiểm tra, yêu cầu thực hiện tốt các chế độ chính sách, giải quyết, hỗ trợ các trường hợp người lao động khó khăn,… Qua đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời gian tới.
Đặc biệt, Sở này cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với người lao động, giải quyết tốt tiền lương, thưởng cho người lao động. Yêu cầu các đơn vị không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]