Trong áp lực giảm của VN30, nhà đầu tư nên kiểm soát các cổ phiếu giao dịch và chọn mua một vài cổ phiếu đặc thù, riêng các cổ phiếu giao dịch ngắn cơ hội sẽ ít hơn…
>> Cơ hội đầu tư cổ phiếu từ sự phân hóa
Thách thức chọn hướng đầu tư
Thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế vào cuối tuần trước giảm điểm nhẹ ở các chỉ số chính. Điều này phản ánh trạng thái tâm lý của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang có mối lo ngại về lãi suất, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có khả năng tăng tiếp lãi suất trong giai đoạn tới và cơ quan này cũng đang cần thêm dữ liệu, chỉ số công nghiệp, cá nhân, các chỉ số về lạm phát để cho thấy, nếu lạm phát vẫn duy trì ở mức cao không hạ, thì việc tiếp tục tăng lãi suất trong giai đoạn tới sẽ vẫn diễn ra.
Giai đoạn này, các chuyên gia cho rằng trên toàn cầu, áp lực lạm phát, tổng cung tổng cầu yếu dẫn đến các ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Do đó, câu chuyện đầu tư trên thị trường cổ phiếu sẽ khó khăn hơn ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Hay nói cách khác, đầu tư như thế nào trong năm 2023 là thách thức không chỉ với nhà đầu tư cá nhân mà với cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên ngày 13/2, thị trường diễn biến kém tích cực và chìm trong sắc đỏ phần lớn khoảng thời gian. Dòng tiền tham gia không quá đáng kể, lực cầu nếu có cũng nhanh chóng suy yếu trong khi lực cung bán đè và gia tăng dần về cuối phiên, từ đó khiến nhiều nhóm ngành nghề và các lớp cổ phiếu đóng cửa giảm điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 11,6 điểm xuống 1.043,70 điểm. HNX- Index giảm 4,01 điểm xuống 204,49 điểm. UPCOM-Index giảm 0,14 điểm xuống 77,2 điểm. Đà giảm điểm có sự đóng góp từ nhóm các cổ phiếu Bluechips, riêng rổ VN30 ghi nhận 21 mã đỏ điểm áp đảo so với chỉ 8 mã xanh điểm. Theo đó cổ phiếu NVL và PDR giảm kịch sàn, tạo áp lực đè nặng thị trường chung.
TS. Lê Đức Khánh, Chuyên gia chứng khoán, đánh giá thị trường chung trong phiên giao dịch ngày 13/2 chủ yếu nhìn vào nhóm VN30, câu chuyện giao dịch có chút khởi sắc hơn là nhóm cổ phiếu tiện ích, xăng dầu, khí đốt. Nhưng diễn biến xấu, tiêu cực chủ yếu đến từ các cổ phiếu bất động sản, áp lực giảm điểm của 2 cổ phiếu địa ốc trên hết sức đáng lo ngại với câu chuyện giải chấp, repo, cầm cố cổ phiếu thu tiền về… cũng gây áp lực cho diễn biến của những cổ phiếu cùng ngành.
>> Chính phủ tiếp tục họp “giải cứu” thị trường bất động sản
Do vậy, chỉ số VN30 điều chỉnh giảm điểm gây lo ngại cho thị trường chung và rất nhiều cổ phiếu riêng lẻ trong giai đoạn hiện tại, đồng thời tâm lý các nhà đầu tư cũng đang chịu chi phối theo đà điều chỉnh của thị trường.
Ông Khánh phân tích, nếu nhìn chỉ số VN-Index sẽ thấy, có hai tuần liên tiếp điều chỉnh và trong phiên giao dịch đầu tuần này, VN-Index đã bắt đầu giảm xuống dưới khu vực hỗ trợ. Mặc dù diễn biến thị trường đang trong quá trình điều chỉnh, chúng ta không hẳn quan tâm lắm đến diễn biến thị trường chung, mà sẽ quan tâm đến các cổ phiếu riêng lẻ nhưng thị trường vẫn áp lực điều chỉnh thêm.
“Hiện VN-Index đang về ngưỡng hỗ trợ rất mạnh là 1.040 – 1.044 điểm, cho dù ngày thứ 2, thứ 3, thị trường có thể rung lắc quanh khu vực này, nhưng nếu không giảm xuống dưới vùng 1.040 điểm, thì trong một hai ngày tới thị trường có khả năng quay trở lại, song vẫn nằm trong xu thế điều chỉnh”, chuyên gia đánh giá.
Chọn cổ phiếu đặc thù
Theo dự báo của TS Lê Đức Khánh, hiện chỉ số VN30 chịu áp lực giảm, các cổ phiếu trong nhóm này thậm chí còn xấu hơn cả các cổ phiếu trên thị trường cơ sở. Do đó, nhà đầu tư nên kiểm soát các cổ phiếu giao dịch và chọn mua một vài cổ phiếu đặc thù, riêng các cổ phiếu giao dịch ngắn cơ hội sẽ ít hơn.
Chia sẻ góc nhìn của mình, ông Lưu Chí Kháng, Chuyên gia CTCK Kiến Thiết Việt Nam cho biết, nhóm ngành bất động sản không phải hiện nay mới thể hiện những tiêu cực, mà đã thể hiện điều nay khá mạnh trước đó.
Vị chuyên gia cho rằng, thực tế đến nay vẫn chưa có những động thái mới từ vĩ mô, khi tín dụng bất động sản chưa có sự tháo gỡ, hay các vấn đề về Nghị định sửa đổi Nghị định 65 với nội dung phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cũng chưa được thông qua. Đồng thời, Chính phủ đang họp bàn yêu cầu phía ngân hàng, các hiệp hội, tổ chức giải cứu bất động sản, nhưng lĩnh vực này vẫn đang gặp khó khăn và phải chờ đợi thêm. Đây là nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bất động sản chưa có tín hiệu bùng nổ quay trở lại.
“Có thể kể đến như cổ phiếu DXG, đang có tín hiệu rất xấu, nhưng hy vọng sẽ có một nhịp điều chỉnh giảm tiếp để có sự tích luỹ. Hay như cổ phiếu KBC, hiện tại xu hướng cũng khá tiêu cực khi lực bán liên tục ở những phiên giảm với khối lượng khá cao, trong khi những phiên xanh chỉ có một vài phiên không nhiều. Nếu KBC rơi về vùng giá từ 17.000 – 18.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư có thể tích lũy ở khu vực này.
“Tôi cho rằng, trong đầu tư không tránh khỏi những lúc thị trường sụt giảm, vấn đề quan trọng là chúng ta phải kiểm soát cảm xúc của bản thân mình khi tham gia. Đặc biệt trong tài khoản dù là của nhà đầu tư hay nhà đầu cơ, luôn luôn phải có một lượng tiền mặt nhất định và không nên dùng hết lượng tiền mặt đang có. Khi đó, các quyết định đầu tư sẽ sáng suốt hơn rất nhiều.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng đòn bẩy, chiến lược đầu tư phải rõ ràng, có điểm vào điểm ra, thậm chí khi mở một vị thế mua nên xác định trước mức độ rủi ro chúng ta chấp nhận được là bao nhiêu”, vị chuyên gia khuyến nghị.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]