Chu kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này, nếu xảy ra, dự báo dài hơn do những ảnh hưởng sâu và rộng của chiến sự Nga – Ukraine.
>> Châu Âu biến đổi ra sao sau chiến sự Nga – Ukraine?
Chiến sự Nga – Ukraine, kết hợp với những tác động liên tục của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, đã làm suy giảm sức mạnh và uy tín của nhiều cường quốc. Đây là chỉ dấu đầu tiên làm chất liệu cho các dự báo kinh tế toàn cầu 2023 không mấy khả quan.
Sự suy giảm kinh tế là rõ ràng nhất đối với chính nước Nga, hàng loạt diễn biến không lường trước được của cuộc chiến, trong sự cô lập ngày càng tăng về kinh tế và chính trị, ngoại giao đã tách hẳn nền kinh tế quy mô 1.800 tỷ USD khỏi dòng chảy chung.
Và trên thực tế, suy thoái kinh tế kỹ thuật đã xảy ra rất rõ rệt trong 2 quý đầu năm 2022 ở Mỹ – quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng với tình hình Đông Âu, đã tiêu hao không ít tiền bạc và hứng chịu cơn khát năng lượng, chật vật xoay xở với chuỗi cung ứng. Giới hoạch định tại Mỹ chấp nhận suy thoái kinh tế để giải quyết lạm phát.
Châu Âu vốn là trung tâm thứ 2 của thế giới, nơi luôn tìm thấy sự sáng tạo, tiên phong với tính chất nền kinh tế dựa trên hệ giá trị “mềm” giờ đây bị kẹt lại với chiến sự Nga- Ukraine. Trong một năm qua, châu Âu giành trọn tâm sức đối phó với nguy cơ mất an ninh khu vực.
Châu Âu nối gót Mỹ, đoạn tuyệt các quan hệ kinh tế rường cột với Nga như năng lượng, lương thực, công nghệ. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, khối kinh tế đồng tiền chung euro tự tìm cách tồn tại không có Nga bên cạnh. Hẳn nhiều người biết, khí đốt và dầu thô giá rẻ từ Nga đã mang đến sự thịnh vượng cho “lục địa già” như thế nào?
Trung Quốc không ngoại lệ, tác động tổng thể từ chiến sự Nga- Ukraine khiến nước này hao tổn, cho dù họ được hưởng lợi về năng lượng và tranh thủ một số lợi thế chiến lược. Không giống như các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh đã không đóng một vai trò chính trị hoặc quân sự có ý nghĩa nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bên cạnh đó, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm kế hoạch hướng nội của nước này. Và việc suy giảm sâu ở các thị trường tiêu dùng hàng đầu gây khó khăn không nhỏ với “công xưởng thế giới”.
Một năm chiến sự Nga- Ukraine khiến chính sách kinh tế của các cường quốc lớn như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu hiện được định hình bởi chính trị nhiều hơn thường lệ. Trong nhiều trường hợp, an ninh nguồn cung và lợi ích chính trị được ưu tiên hơn so với các cân nhắc về giá trong chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
Ví dụ, bản chất của cấm vận là “cùng nhau chịu thiệt hại”. Với phương Tây, thiệt hại kinh tế để đổi lấy tiếng nói chính trị, ngoại giao; còn với Nga, sự thiệt hại sẽ dẫn đến kết quả tệ hại trong cuộc chiến với Ukraine.
Chiến sự Nga – Ukraine về lý thuyết thúc đẩy nhanh hơn quá trình phân rã toàn cầu hóa, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục “đóng băng” quan hệ; Giảm sự phụ thuộc lẫn nhau trong các lĩnh vực chiến lược như sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng và kim loại đất hiếm.
Âu – Mỹ xích lại gần nhau nhưng bản thân hai khối này không tự mình tạo ra động lực tăng trưởng – vì một nửa quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện phân bổ ở châu Á -những nền kinh tế mới nổi, chúng cần được ráp nối để tạo thành một chuỗi bổ trợ liên hoàn.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến hơn 50 quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin kể từ trước đại dịch. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc làm phức tạp thêm nhiệm vụ giải quyết những vấn đề này.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]