CBDC (tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành) có thể giúp các quốc gia đạt được ổn định tài chính.
>> Bitcoin trồi sụt, tiền điện tử AI nổi sóng trong “cơn sốt” ChatGPT
CBDC (tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành) có thể giúp các quốc gia đạt được ổn định tài chính nhờ đem đến khả năng hồi phục và tính khả dụng cao hơn, xử lý thanh toán nhanh hơn và chi phí giao dịch thấp hơn so với các hình thức tiền điện tử tư nhân.
CBDC ngày càng trở nên phổ biến
CBDC là hình thức kỹ thuật số của tiền định danh được phát hành và quản lý bởi một ngân hàng trung ương ở một quốc gia cụ thể.
Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Nhung, giảng viên Kinh tế thuộc Khoa Kinh doanh (trước đây là Khoa Kinh doanh và Quản trị), Đại học RMIT Việt Nam, giải thích: “CBDC có một số đặc điểm tương tự như tiền điện tử và giá trị được gắn với tiền pháp định của quốc gia. Tuy nhiên, CBDC có thể khác với các loại tiền điện tử khác vì các giao dịch không ẩn danh do hình thức tiền tệ tập trung”.
Dựa trên dữ liệu từ CBDC Tracker tháng 12/2022,114 quốc gia, chiếm hơn 95% GDP toàn cầu, đã tìm hiểu các đề xuất đa dạng về thiết kế, quyền truy cập và cơ sở hạ tầng của CBDC. Nếu so sánh với tháng 5/2020 thì khi đó chỉ có 35 quốc gia cân nhắc tới CBDC.
Hiện tại, 60 quốc gia đã đạt tới giai đoạn phát triển chuyên sâu, thí điểm và triển khai CBDC. Mười một quốc gia, bao gồm Bahamas, Nigeria và các quốc gia trong Liên minh tiền tệ Đông Caribê, đã ra mắt đầy đủ một loại tiền điện tử của họ.
Từ tháng 12/2022, tất cả các nền kinh tế G7 đã chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang giai đoạn phát triển CBDC. Mười tám trong số các quốc gia G20 đang trong giai đoạn phát triển CBDC chuyên sâu, cho thấy sự tiến bộ đáng kể và sự đầu tư vào nguồn lực mới.
Năm 2023, hơn 20 quốc gia sẽ thực hiện các bước quan trọng để tiếp tục hoặc bắt đầu thí điểm CBDC, bao gồm Australia, Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga. Các quốc gia thử nghiệm CBDC trong các dự án thí điểm bao gồm Thụy Điển, Trung Quốc, Jamaica và Ukraine.
Tiến sĩ Nhung chia sẻ: “Thí điểm CBDC của Trung Quốc đã tiếp cận 260 triệu người và dự kiến sẽ mở rộng ra hầu hết các quốc gia vào năm 2023”.
>> Thị trường tiền điện tử bất ngờ phát đi tín hiệu tích cực
>> Kỳ vọng về thị trường tiền điện tử năm 2023
>> Con đường tiến đến “mùa hè tiền điện tử” năm 2023
Ý nghĩa của CBDC tại Việt Nam
Gần đây, Chính phủ Việt Nam thông báo sẽ làm việc với ngân hàng trung ương để phát triển chương trình thí điểm triển khai CBDC. Đây là bước đi quan trọng cho thấy chính phủ cam kết phát triển công nghệ tiên tiến này và triển khai thành công trên quy mô lớn.
Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT Tiến sĩ Bùi Duy Tùng cho biết: “CBDC dựa trên công nghệ blockchain, góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán bằng cách tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính và công ty fintech ứng dụng và thử nghiệm các công nghệ hiện đại, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam”.
“CBDC cải thiện độ tin cậy, an toàn và giảm thiểu rủi ro của hệ thống thanh toán nhờ tính minh bạch, xác minh và bảo mật. CBDC còn là một nền tảng có thể hỗ trợ hệ thống ngân hàng Việt Nam thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi số”.
CBDC sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam bằng cách cho phép nhiều người hơn tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa không có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, CBDC có thể được sử dụng ở những khu vực không có kết nối Internet, cho phép mọi người thực hiện các giao dịch tài chính với chi phí thấp bằng các thiết bị điện tử đơn giản, phổ biến rộng rãi.
CBDC cũng cung cấp một công cụ hữu hiệu và hiệu quả để thực thi chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Việc phát hành CBDC cho phép Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nguồn cung tiền một cách chính xác. Do đó, độ trễ chính sách sẽ giảm hơn nữa, nhờ vậy mà nâng cao năng suất và hiệu quả của việc điều tiết tiền tệ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Tùng dự đoán rằng một số câu hỏi thiết yếu phải được trả lời trước khi triển khai CBDC. Đầu tiên, cần phải cải cách quy định quan trọng cho phép chính phủ phát hành tiền số. Bên cạnh đó, chính phủ cần xác minh xem mình có đang thực hiện đúng không, trước khi nộp đơn yêu cầu phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền cấp quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Thứ hai, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng số quốc gia để tương thích với việc phát hành CBDC tại Việt Nam. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thí điểm và ra mắt CBDC đặc biệt hữu ích cho Việt Nam nhằm giảm thiểu những khó khăn và vướng mắc trong giai đoạn nghiên cứu và giai đoạn phát triển CBDC.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]