Vụ việc một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện trên lãnh thổ Mỹ tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ- Trung căng thẳng hơn.
>> Bất đồng Mỹ- Trung “phủ bóng” lên Thượng đỉnh G20
Sự xuất hiện của vật thể bay này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng Mỹ- Trung, khiến Mỹ quan ngại hơn về hoạt động tình báo của Trung Quốc trên đất Mỹ, khiến chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ bị hủy vô thời hàn trước lịch trình chỉ vài ngày. Lâu nay, chính quyền Mỹ đã thường xuyên lo ngại việc Bắc Kinh tích cực sử dụng nhiều loại công cụ nhằm thu thập thông tin tình báo và dữ liệu của mình.
Mục tiêu do thám của vật thể bay này được quan chức Mỹ dự đoán có thể là một kho vũ khí có 150 tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị vũ khí hạt nhân tại Căn cứ Không quân Malmstrom ở Montana.
Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken gọi đây là “vi phạm chủ quyền của Mỹ”, trong khi một số thành viên Quốc hội Mỹ chỉ trích chính quyền Biden đã không bắn hạ nó sớm hơn. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ sự “lấy làm tiếc” về đường bay của khinh khí cầu, nhưng phủ nhận việc vi phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào và cáo buộc một số chính trị gia Mỹ thổi phồng vụ việc.
Trước khi xảy ra sự cố, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ rất được kỳ vọng bởi ông sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Trung Quốc trong hơn 4 năm qua. Nội dung trao đổi gồm rất nhiều vấn đề quan trọng, từ căng thẳng vấn đề Đài Loan, quan hệ Trung Quốc – Nga trong xung đột với Ukraine, hay các lệnh cấm trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
>> Mỹ đã “thất thế” kiềm chế Trung Quốc?
Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ bị hủy bỏ được cho là bước khởi đầu căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai cường quốc, đặc biệt xung quanh vấn đề gián điệp. Lý giải cho quyết định này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến đi của ông Blinken sẽ không hiệu quả vì sự cố khinh khí cầu sẽ phủ bóng lên một chương trình nghị sự vốn đã nhiều vấn đề giữa 2 nước.
Ông Daniel Russel, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, “chúng ta có thể thấy mối quan hệ đang lại một lần nữa xấu đi”, tùy thuộc vào phản ứng của Trung Quốc.
Mới giữa tuần qua, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã xem xét các cáo buộc gián điệp kinh tế đối với TuSimple Holdings Inc., một công ty xe tải tự lái của Mỹ có quan hệ với Trung Quốc. Nội dung báo cáo bày tỏ lo ngại rằng hai nhà sáng lập và Giám đốc điều hành hiện tại của công ty có trụ sở tại San Diego này đã chuyển giao công nghệ cho một công ty khởi nghiệp Trung Quốc một cách “không phù hợp”.
Chính quyền Mỹ nhiều năm qua đã thực hiện các bước đi để ngăn chặn đà phát triển công nghệ của Trung Quốc trên các lĩnh vực, như mạng 5G, xe tự lái, chip xử lý thế hệ mới. Trung Quốc đã bị cáo buộc tham gia vào rất nhiều hoạt động gián điệp công nghệ cao, bao gồm xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của chính phủ hay doanh nghiệp Mỹ để đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Theo các quan chức và chuyên gia an ninh quốc tế, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ theo đuổi một chính sách kiềm chế có chừng mực. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, một động thái có thể làm thất vọng nhiều đồng minh và các nước muốn Washington giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc – một đối tác thương mại lớn của nhiều quốc gia.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đang ở thế yếu hơn khi cần vực dậy một nền kinh tế bị tác động mạnh sau thời gian dài đóng cửa vì chính sách Zero-Covid. Sự cố khinh khí cầu sẽ khiến việc tiếp cận của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, bởi nó lại thổi bùng lên nghi ngại trong chính quyền Mỹ và đồng minh rằng Trung Quốc không hề chuyển hướng khỏi chính sách đối ngoại hung hăng hơn trong những năm gần đây.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]