“Lằn ranh” giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái khá “mong manh”. Việc xây dựng cơ chế đủ mạnh để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, từ đó hạn chế tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm là cần thiết.
>>Quy định 96-QĐ/TW: Thước đo năng lực cán bộ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhấn mạnh về việc cần có quy định cụ thể để cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ được xây dựng theo trình tự rút gọn. Bộ Nội vụ sẽ cố gắng trình Chính phủ trong quý 2/2023.
Làm rõ ranh giới đúng – sai
Đại diện Bộ Nội vụ cho hay nội dung của nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo chủ yếu tập trung vào năm vấn đề. Thứ nhất, làm rõ phạm vi điều chỉnh, quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình bảo vệ.
Thứ hai, làm rõ được nguyên tắc của quy định bảo vệ cán bộ. Thứ ba, làm rõ quy trình thực hiện việc bảo vệ, khuyến khích bảo vệ. Thứ tư, làm rõ điều kiện khuyến khích, điều kiện bảo vệ cán bộ. Thứ năm, làm rõ các hình thức khuyến khích, bảo vệ ra sao.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang thành lập ban, tổ soạn thảo. Bộ sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Ban Tổ chức Trung ương, các đoàn thể trung ương để đảm bảo tính khả thi. Sau đó sẽ trình dự thảo nghị định lên Chính phủ xem xét theo quy định.
Nội dung của nghị định chủ yếu tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Trong phạm vi điều chỉnh quy định các nguyên tắc, các điều kiện, các quy trình thủ tục để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Làm rõ quy trình thủ tục thực hiện bảo vệ, khuyến khích. Kèm theo đó, làm rõ điều kiện khuyến khích như thế nào, các hình thức khuyến khích bảo vệ ra sao để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong thực tiễn…
Theo ông Thang Văn Phúc, cần sớm xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì việc chung. Bởi đây sẽ là cơ sở để động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, năng lực, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của cơ quan, đơn vị.
Việc thể chế hóa cần căn cứ vào các luật căn bản như Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật phòng, chống tham nhũng…. Cùng với đó, quá trình xây dựng nghị định cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, làm rõ ranh giới giữa cái đúng – cái sai, giữa làm vì tập thể với làm vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Trong đó, làm rõ biểu hiện của dám nghĩ, dám làm vì tập thể, vì cái chung; cơ quan đón nhận các đề xuất, kiến nghị, các sáng tạo, đổi mới như thế nào để đảm bảo được tính bí mật và bảo vệ người đề xuất, người dám đấu tranh, phát hiện…
Bên cạnh đó, cũng cần quy định, trường hợp cán bộ dám nghĩ, dám làm vì việc chung và thành công thì thế nào, không thành công sẽ bị xử lý ra sao. “Bên cạnh quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung cũng cần có chế tài đối với những người trù dập, cản trở người dám nghĩ, dám làm”, ông Thang Văn Phúc nói.
Đồng thời, xây dựng Nghị định cần cụ thể những trường hợp nào được xem xét khen thưởng, tôn vinh khi đạt kết quả tốt; có chính sách khuyến khích thỏa đáng, kể cả tinh thần và vật chất.
Cho rằng “lằn ranh” giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái khá “mong manh”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng một cơ chế đủ mạnh để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, từ đó hạn chế tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm là điều rất cần thiết.
Song đây là điều không hề dễ vì liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Vì vậy, quá trình xây dựng nghị định phải xác định rõ quan điểm, thái độ mạch lạc, đảm bảo tính minh bạch, công khai, thể hiện quyền dân chủ, quyền công dân, nhất là đề cao tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh, xây dựng.
“Việc xây dựng nghị định rất phức tạp vì đụng chạm đến nhiều quyền lợi, không chỉ quyền lợi về kinh tế mà còn có quyền lợi chính trị… Do đó, nghị định cần được xây dựng chặt chẽ, mạch lạc, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, chứ không thể quy định tới hàng trăm ngành nghề khác nhau”, ông Thang Văn Phúc đề xuất.
>>Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”
>>Quy định 96-QĐ/TW: Thước đo năng lực cán bộ
Phải sống được bằng tiền lương
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, giữa sự đổi mới, sáng tạo với làm trái là sợi dây ranh giới rất mong manh. Do đó, nên sớm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Có nghị định của Chính phủ sẽ tạo động lực, sự yên tâm cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Nhất là sau khi xảy ra đại dịch COVID-19, việc xử lý tiêu cực mạnh mẽ là rất tốt nhưng cũng khiến không ít người dù dám làm nhưng thấy tình hình đó đã có tâm lý chững lại, thậm chí lo ngại, tạm dừng.
Vẫn theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, cùng với khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cần sớm thực hiện nghị quyết 27 của Trung ương, trong đó nêu rõ: tiền lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ và lương phải chiếm 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp…
Với những ý tưởng sáng tạo, cán bộ có thể được làm thí điểm, thậm chí trong quá trình triển khai có thể vi phạm ở mức độ nhất định, chưa để lại hậu quả nghiêm trọng thì cán bộ cũng cần được bảo vệ. Nếu không sẽ không ai dám làm, dám đột phá, không ai dám đi tiên phong. Quan trọng là mục đích của cán bộ đó không vì cá nhân mà vì lợi ích chung.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng nghị định của Chính phủ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là cần thiết.
Bên cạnh đó phải nâng cao nhận thức, hiểu biết, trình độ, phẩm chất đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, cần nâng cao tinh thần, vật chất cho cán bộ, công chức, viên chức.
Họ làm trong khu vực nhà nước, sống bằng lương, nếu lương không đủ trang trải cuộc sống thì buộc họ phải làm những việc khác. “Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng lương”, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]