Xuyên suốt lịch sử loài người, các công nghệ quân sự mới đã làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới. Liệu Trung Quốc có thể làm điều đó với tham vọng AI hóa quân đội của mình?
>> Vụ khinh khí cầu “hé lộ” chương trình bí mật của Trung Quốc
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đánh dấu bước chuyển mình lớn cho lĩnh vực quân sự trong thế kỷ 21. Sự bùng nổ của ChatGPT chỉ là phần nổi của tiến trình AI hóa đã âm thầm phát triển trên khắp thế giới và trên nhiều lĩnh vực thời gian qua. Trong số đó, Trung Quốc cũng có một tham vọng to lớn trong việc áp dụng AI vào xây dựng một đội quân tầm cỡ thế giới.
Trước hết, Bắc Kinh có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của một đội quân “thông minh” trong thời đại mới. Trong Sách trắng Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến từ “thông minh” 3 lần, hàm ý việc sử dụng các hệ thống vũ khí dựa trên AI. Định hướng này đã trở thành một trọng tâm mới trong hiện thực hóa mục tiêu biến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành một lực lượng đẳng cấp thế giới – như ông Tập tuyên bố trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2022.
Cơ giới hóa, thông tin hóa từng là hai yếu tố then chốt trong phát triển lực lượng quân sự Trung Quốc vào năm 2017. Chỉ đến Đại hội Đảng lần 20 vừa qua, “thông minh hóa” mới được thêm vào chiến lược quân sự Trung Quốc, cho thấy nó đã nhận được sự công nhận và hậu thuẫn to lớn từ các lãnh đạo nước này.
Dựa trên quan sát và nghiên cứu, giới chuyên gia trên thế giới chỉ ra PLA có thể ứng dụng AI trong 4 lĩnh vực chính.
Đầu tiên, đó là khả năng ứng dụng AI trong chiến tranh nhận thức. Đây là hình thức tác chiến bằng tác động đến nhận thức và ý chí của đối phương, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi về mặt chiến lược hoặc khuất phục đối thủ mà không cần chiến đấu. Loại hình này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mạng xã hội và các nền tảng có thể truyền đạt đủ loại hình thông tin khắp mọi nơi trên thế giới.
Ở Trung Quốc, đã có những tranh luận tích cực về chiến tranh nhận thức. Ông Qi Jianguo, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA, tuyên bố nhận thức con người là huyết mạch của an ninh quốc gia, và những ai dẫn đầu trong phát triển các công nghệ AI thế hệ mới sẽ có thể kiểm soát được nó. Chuyên gia Li Minghai của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cũng tin rằng chiến tranh nhận thức sẽ là chiến trường chính cho các cuộc chiến trong tương lai.
Thứ hai là khả năng tác chiến độc lập của vũ khí không người lái, đặc biệt là máy bay không người lái. Những hoạt động thử nghiệm và ứng dụng loại vũ khí này của Trung Quốc đã bắt đầu được ghi nhận. Tháng 9 năm 2022, Đài Loạn xác nhận lần đầu tiên có máy bay không người lái của Trung Quốc bay vào khu vực không phận phía Nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Đến tháng 12, số vụ việc đã tăng lên 70 vụ.
Thứ ba là khả năng xử lý một lượng lớn thông tin thông qua học máy. Các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia về Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đã ứng dụng học máy để xác định điểm yếu trong hệ thống mạng lưới máy tính của các đối thủ. Bên cạnh đó, PLA đang cố gắng sử dụng AI để áp dụng vào một mạng lưới vũ khí không người lái và cảm biến dưới biển xung quanh Trung Quốc. Chưa kể, lực lượng này cũng đang nghiên cứu một hình thức tác chiến điện tử sử dụng AI để phân tích các sóng vô tuyến nhận được và tối ưu hóa khả năng gây nhiễu.
Thứ tư, Trung Quốc kỳ vọng vào việc sử dụng AI để tăng tốc độ ra các quyết định quân sự. Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu tại Mỹ thấy rằng sử dụng AI để ra những quyết định liên quan đến chiến lược hạt nhân đã làm tăng nguy cơ leo thang xung đột hạt nhân. Trung Quốc cũng nhân thức được nguy cơ đó và trước mắt nước này chỉ áp dụng AI vào cho các nhiệm vụ đơn giản như xử lý thông tin.
>> Trung Quốc bị dồn vào thế khó sau vụ khinh khí cầu
Dù vậy, tham vọng to lớn của Bắc Kinh đang bị đặt nhiều nghi vấn trước các động thái kiềm chế từ Mỹ.
Chất bán dẫn là “gót chân Achilles” của ngành công nghệ Trung Quốc, khi 85% vi mạch nước này phải phụ thuộc nhập khẩu. Mặc dù ông Tập Cận Bình cũng đã trấn an bằng việc tuyên bố Trung Quốc có thể “tự lực về công nghệ”, nhưng trên thực tế đó là điều rất khó khăn. Mỹ có một hệ thống các đồng minh là những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bao gồm Nhật và Hà Lan, để có thể “bóp nghẹt” chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc.
Thậm chí, kể cả khi Bắc Kinh muốn sao chép công nghệ của tất cả các quốc gia trên, điều đó cũng sẽ mất một thời gian dài trước các biện pháp phòng hộ chặt chẽ của Mỹ và đồng minh. Nếu Trung Quốc không thể tiếp cận được những chất bán dẫn tiên tiến, thì quá trình thông minh hóa và nâng tầm lên đội quân “tầm cỡ thế giới” của PLA cũng khó trở thành hiện thực.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]