Một số ngân hàng được cho là đang cùng nhau hợp tác để phát hành một ví kỹ thuật số liên kết với thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, nhằm cạnh tranh với Apple Pay và PayPal.
>> Các quốc gia cân nhắc chuyển dịch và đổi mới thanh toán kỹ thuật số
Cạnh tranh khốc liệt
Đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại, có nhiều sự cạnh tranh hơn bao giờ hết đối với hoạt động thanh toán của người tiêu dùng và thậm chí cả cách họ mua hàng.
Theo một báo cáo gần đây trên The Wall Street Journal, một số ngân hàng lớn đứng sau Zelle đang hợp tác để tạo ví kỹ thuật số của riêng mình, nhằm cạnh tranh với Apple Pay và PayPal. Ví kỹ thuật số mới sẽ được vận hành bởi Early Warning Services. Các ngân hàng lớn tham gia bao gồm Wells Fargo, JPMorgan Chase và Bank of America. Ví mới ban đầu sẽ được khởi chạy cùng với Visa và Mastercard.
Động thái này được xem là nỗ lực nhằm làm chậm lại hoạt động của Apple khi đẩy mạnh vào các dịch vụ tài chính tiêu dùng, được đánh dấu bằng việc giới thiệu Apple Pay Later gần đây, cũng như tài khoản tiết kiệm có lãi do Goldman Sachs quản lý.
Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate cho biết, thách thức lớn đối với các ngân hàng là cung cấp thứ gì đó đủ độc đáo để thu hút sự chú ý và thuyết phục mọi người sử dụng giải pháp của họ, thay vì các dịch vụ đã có từ lâu như Apple Pay và PayPal. Đó sẽ là một trận chiến khó khăn.
Nhà phân tích nói thêm: “Giới thiệu cho người tiêu dùng là trải nghiệm thanh toán trực tuyến dễ dàng hơn. Bạn không cần phải nhập tất cả thông tin thẻ của mình vì nó đã được lưu trong hệ thống và sẽ được quản lý bởi các ngân hàng, về lý thuyết sẽ có khả năng chống gian lận tốt hơn so với các nhà bán lẻ”.
Cũng theo Pam Dixon, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Quyền riêng tư Thế giới, đánh giá, điều tích cực là họ đã là một lĩnh vực được quản lý. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải thực sự cẩn thận, vì đó là thông tin tài chính của người dùng.
Có thể thấy trong thời kỳ đại dịch, người mua sắm ngày càng ưa chuộng các giao dịch không dùng tiền mặt. Các ứng dụng thanh toán ngang hàng (P2P) như Zelle và Venmo của Paypal cho phép người dùng lưu trữ thông tin ngân hàng trên điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến.
Một cuộc khảo sát vào tháng 3/2022 của Consumer Reports cho thấy, 64% người Mỹ sử dụng các ứng dụng thanh toán ngang hàng, với những người trẻ tuổi, tỷ lệ này đã tăng vọt lên 81%. Khoảng 40% trong số hơn 2.000 người được hỏi cho biết họ sử dụng các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần một tháng, trong khi 18% sử dụng chúng ít nhất một lần một tuần.
Về vấn đề này, vị chuyên gia tại Bankrate nhìn nhận, thanh toán kỹ thuật số thường an toàn hơn so với giao dịch bằng thẻ tín dụng vì có thành phần sinh trắc học – giải pháp trực tuyến này có thể sẽ có một số loại xác thực hai yếu tố, như mã được gửi qua tin nhắn văn bản. Nhưng nó không phải là không có rủi ro. Người dùng dễ bị gian lận hoặc lừa đảo, thậm chí mất tiền nếu họ vô tình gửi thanh toán cho nhầm người…
>> Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh
Câu trả lời từ khách hàng
Có thể thấy, “miếng bánh” thanh toán luôn được các ông lớn trong lĩnh vực tài chính săn đuổi. Nhà phân tích Harshita Rawat tại Bernstein đã lưu ý khách hàng của mình rằng, các ngân hàng lớn có thể luôn “ghen tị” với PayPal, nhưng sẽ mất thời gian để chiếc ví mới trở thành đối thủ nặng ký với những người đương nhiệm.
“Đơn giản là nó cần một thời gian rất dài, cần trải nghiệm tốt của khách hàng (phải tốt hơn những công ty đang có chứ không chỉ tương tự) và một đề xuất giá trị hấp dẫn của người bán nhằm xây dựng hiệu ứng mạng lưới hai chiều trong thanh toán để đạt được quy mô”, Rawat nói.
Vào cuối năm ngoái, một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Zelle đang tràn lan nạn gian lận, trộm cắp và rất ít khách hàng được hoàn tiền, có khả năng vi phạm luật liên bang và các quy tắc của người tiêu dùng”.
Delicia Hand, giám đốc công bằng tài chính của Consumer Reports phân tích, có một độ trễ giữa các biện pháp bảo vệ dành cho người tiêu dùng và các công nghệ thanh toán mới nhất. “Trong thời gian chờ đợi, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có thể nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng bằng cách thực hiện các bước tích cực hơn giúp giảm thiểu rủi ro cho người dùng”.
Trái ngược với những phát hiện nêu trên, Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ và Viện Chính sách Ngân hàng khẳng định, 99,9% trong số 5 tỷ giao dịch được xử lý qua mạng Zelle trong 5 năm qua đã được gửi mà không có bất kỳ báo cáo nào về gian lận hoặc lừa đảo. Trong mọi trường hợp khách hàng tranh chấp một giao dịch được thực hiện qua Zelle, theo luật liên bang, các ngân hàng có nghĩa vụ phải điều tra và hoàn trả nếu giao dịch đó là trái phép.
Chính vì vậy, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Quyền riêng tư Thế giới đã đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, hãy để người mua cẩn trọng. Nếu một người chưa bao giờ sử dụng ví kỹ thuật số, hãy đảm bảo họ thực hiện một vài lần chạy thử trước và không gửi số tiền quá lớn. Ngoài ra, hãy điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư để giảm thiểu lượng thông tin mà các công ty đang thu thập.
Tại Việt Nam, theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, hơn 3/4 người tiêu dùng Việt Nam sử dụng công nghệ xác thực sinh trắc học để xác minh danh tính (78%) và thanh toán (76%), nhiều hơn việc sử dụng mã PIN, mật khẩu và các phương thức xác thực khác. Cũng theo nghiên cứu này, công nghệ sinh trắc học nhận được niềm tin từ đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề quyền riêng tư là một trở ngại lớn đối với đa số người dùng tham gia khảo sát, với 71% người được hỏi quan tâm đến các đơn vị có quyền truy cập dữ liệu sinh trắc học của họ.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, 59% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức xác thực bằng công nghệ sinh trắc học thường xuyên hơn trong năm ngoái, thể hiện sử cởi mở trong việc đón nhận công nghệ thanh toán mới. Con số này cũng cho thấy tiềm năng chưa được khai phá của phương thức xác thực này nếu các nhà cung cấp giải quyết được những lo ngại về quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận xét: “Với sức hút của thanh toán điện tử tiếp tục gia tăng tại thị trường Việt Nam, nghiên cứu của Mastercard góp phần chỉ ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh trắc học, khi người dùng vẫn ưa chuộng công nghệ này ngay cả khi chưa chắc chắn về việc quản lý dữ liệu cá nhân. Nếu các bên liên quan trong hệ sinh thái thanh toán có thể phát triển các quy trình và phổ biến kiến thức nhằm giảm thiểu tối đa sự lo ngại của người tiêu dùng, công nghệ xác thực sinh trắc học có thể trở thành phương thức xác minh danh tính phổ biến trong các giao dịch thanh toán”.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]