Chính phủ vừa ban hành đồng thời 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp sau một quá trình rà soát khối lượng nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn của các bộ, ngành và chính quyền các cấp.
Trong tổng số 1.464 nhiệm vụ phân quyền, phân cấp, có 1.059 nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ và Bộ trưởng được phân cấp, phân quyền cho địa phương; 1.248 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện được điều chỉnh cho chính quyền xã hoặc tỉnh. Vậy các Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền vừa mới ban hành tập trung điều chỉnh những vấn đề gì và việc áp dụng pháp luật như thế nào?
[Caption align=”aligncenter” width=”650″] Hội nghị công bố các nghị định về phân cấp, phân quyền[/caption]
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, các Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chỉ tập trung quy định việc điều chỉnh lại thẩm quyền, chủ yếu từ cơ quan Trung ương cho chính quyền địa phương; điều chuyển nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện cho chính quyền địa phương cấp tỉnh và chính quyền địa phương cấp xã.
Các nghị định này chỉ quy định những nội dung cần sửa đổi của pháp luật hiện hành để phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
Về nguyên tắc, các Nghị định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền chỉ có hiệu lực pháp luật đến ngày 1/3/2027. Các nội dung về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện tại các nghị định này sẽ được thay thế bằng các quy định của luật, nghị quyết, nghị định mới/sửa đổi, bổ sung.
[Caption align=”aligncenter” width=”650″] Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh[/caption]
Trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bảo đảm phù hợp về thẩm quyền, khả năng, điều kiện thực tiễn.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất “mở” để trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; công bố các thủ tục hành chính theo thẩm quyền bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các nghị định.
Điều 14 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 quy định về việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.