Trước tình hình lãi suất cao, thanh khoản căng thẳng, rủi ro luôn rình rập, việc nhà đầu tư bật chế độ phòng thủ được xem là tốt nhất.
>> Vượt rủi ro thanh khoản năm 2023
Nhận diện rủi ro
Có thể nói, sự thắt chặt thanh khoản ở hệ thống ngân hàng trong thời gian qua bắt nguồn từ một số nguyên nhân như các trục trặc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cuộc đua tăng lãi suất và sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS).
Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động để bù đắp sự thiếu hụt về thanh khoản, dẫn đến lãi suất huy động tăng sốc trong các tháng 10, 11 và 12 của năm 2022. Khác với thế giới, lãi suất của thế giới đang tăng cao nhưng nguyên nhân thì không như của Việt Nam. Mỹ, EU hay các nước phương Tây tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, đánh vào nhu cầu, nhằm giảm tổng cầu qua đó tạo ra sự cân bằng cung cầu mới để đưa giá cả đi xuống.
Còn ở Việt Nam, lạm phát được kiểm soát tốt chỉ ở mức 4%, thì lãi suất 6-7% là hấp dẫn, bởi đó là lãi suất thực dương. Tuy nhiên, lãi suất ở Việt Nam tăng cao là bởi dòng vốn bị chuyển dịch từ tiền mặt sang bất động sản (BĐS) khá lớn, điều này làm cho một lượng vốn trở nên mất thanh khoản. Kèm thêm bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây rủi ro cho các khoản vay BĐS trước đó tăng cao, buộc các ngân hàng phải tăng huy động để hút dòng tiền, nhằm cân bằng tình trạng thanh khoản.
Hiện tại tình trạng đã tạm ổn sau khi một lượng tiền gửi đã bị hút vào ngân hàng sau khi lãi suất tăng mạnh và sốc. Một số ngân hàng tư nhân lớn như TCB, SHB hay VPB đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên mức 9,0-9.5%, cao hơn cả các ngân hàng tầm nhỏ hơn như LPB, ACB hay TPB…
Sau khi hút được một lượng vốn lớn, các ngân hàng này tạm ổn nhưng rủi ro sẽ tiếp tục diễn ra khi kỳ hạn đáo hạn của các khoản vay BĐS hoặc TPDN không thể trả, hoặc đơn giản là một công ty BĐS nào đó tuyên bố mất khả năng thanh toán, không thể trả nợ, hoặc xin khất nợ. Và nếu đó là một công ty tầm cỡ, quy mô lớn thì khi đó rủi ro lại tiếp tục diễn ra, lãi suất lại có thể một lần nữa tăng cao. Nhưng rủi ro đó cũng có thể sẽ không diễn ra, khi các tập đoàn BĐS lớn đang kịch liệt tái cơ cấu, bán tài sản để trả nợ.
Năm 2022, có một lượng lớn TPDN đã được trả trước hạn làm giảm đi đáng kể áp lực này. Nhưng vẫn còn khoảng 10 tỷ USD trái phiếu cần phải thanh toán trong năm 2023. Nếu việc giãn nợ với các chủ nợ không thành công thì ngay lập tức, rủi ro cũng sẽ xảy ra. Đó là chưa nói tới rủi ro một vài chủ doanh nghiệp cỡ lớn có thể vướng vòng lao lý bởi những sai phạm, hay cuộc chiến Nga – Ukraine có bước ngoặt mới.
Như vậy, hệ thống ngân hàng đang đứng trước những rủi ro khá lớn, có thể xảy ra, hoặc cũng có thể tránh được, cơ hội và rủi ro lúc này đang có tỷ lệ tương đương nhau.
>> Vì sao hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản?
Bật chế độ phòng thủ
Nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức 9% như hiện nay, tức là lãi suất cho vay tối thiểu ở mức 12-14%/năm. Đây là một mức lãi suất khá cao, làm tổn thương tăng trưởng kinh tế. Ở mức lãi suất này, người dân sẽ hạn chế tiêu dùng, còn doanh nghiệp hạn chế đầu tư khiến tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị ghìm lại.
Như vậy, nếu lãi suất này tiếp tục ở mức cao, thì rủi ro cho nền kinh tế là lớn. Còn nếu lãi suất này đi ngang trong nửa đầu 2023 và suy giảm dần trong nửa cuối khi các tín hiệu trên thị trường quốc tế lẫn quốc nội được xoa dịu, mới có thể hy vọng tăng trưởng kinh tế bứt tốc. Do đó, rủi ro xảy ra là thu nhập ròng của các công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong tình hình lãi suất cao, thanh khoản căng thẳng, rủi ro luôn rình rập, thì việc nhà đầu tư bật chế độ phòng thủ được xem là tốt nhất. Các biện pháp phòng thủ hợp lý có thể kể đến như:
Thứ nhất, gửi ngân hàng, với mức lãi suất 9%, thậm chí 10-11-12%, thì gửi tiết kiệm được xem là chiến lược phòng thủ tốt. Người gửi tiền không phải lo lắng về thanh khoản, về lãi suất, lại đảm bảo một khoản thu nhập hấp dẫn. Do đó, những nhà đầu tư yếu tâm lý, hoặc cần một biện pháp phòng thủ tốt, thì hãy luôn chú trọng vào kênh đầu tư này.
Thứ hai, đối với nhà đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư thích mạo hiểm và yêu thích cổ phiếu thì đa dạng hóa danh mục bằng cách rải đều ở nhiều ngành khác nhau sẽ giúp tối thiểu hóa rủi ro. Trong đó, ngành bảo hiểm được xem là ngành không bao giờ được bỏ sót.
Thực tế đã cho thấy, đây là ngành nghề duy nhất chống chọi được với thanh khoản căng cứng và lãi suất dâng cao bởi họ không có nợ vay. Thậm chí các doanh nghiệp bảo hiểm còn hưởng lợi rất lớn khi lãi suất dâng cao. Lãi suất tăng sẽ giúp cho hoạt động đầu tư tiền gửi, chiếm hơn 80% lợi nhuận của công ty bảo hiểm ăn nên làm ra. Do đó, ngành bảo hiểm sẽ sống khỏe.
Thứ ba, ai cũng thấy ngành ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không phải khó với tất cả các ngân hàng. Áp lực sẽ lớn đối với những ngân hàng căng thanh khoản, đầu tư rất nhiều vào TPDN và cho vay rất lớn trong lĩnh vực BĐS. Ngược lại, những ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi 2 vấn đề trên thì còn sống khỏe. Họ không gặp áp lực về thanh khoản dẫn đến NIM của ngân hàng vẫn ổn định và thậm chí cho vay liên ngân hàng còn khá hấp dẫn. Do đó, những ngân hàng này sẽ tiếp tục bay cao trong 2023. Có thể kể đến là VCB, ACB, STB hay LPB…
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]